Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 18/11/2021 17:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 18/11/2021, tại TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), trường Đại học Xây dựng Miền Tây phối hợp với một số trường đại học lớn trên toàn quốc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế SCD 2021 “Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Bộ Xây dựng bảo trợ thông tin. Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo tại điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội.


Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh phát biểu
khai mạc hội thảo tại điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội

Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây nhiều hệ lụy đến đời sống người dân và ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu là nhiệt độ khí quyển tăng, tan băng, nước biển dâng, hạn hán kéo dài, mưa lớn và các trận siêu bão...

Ở Việt Nam, mực nước biển dâng gây ảnh hưởng rõ nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu mực nước biển tăng thêm 100cm thì 38,9% đất ở khu vực này bị ảnh hưởng, trong đó Kiên Giang là 76,9% và Hậu Giang là 80,62%. Trên bình diện cả nước, có tới 12,1% diện tích đất sinh hoạt hiện nay đứng trước nguy cơ sẽ bị ngập nước, khoảng 17,1 triệu người không còn nơi sinh sống, sản xuất. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, nếu không được kiểm soát, nước biển dâng có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 23,1% dân số Việt Nam.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ. Ngày 3/6/2013, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, ngày 17/11/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng cũng ban hành kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP với 9 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó có các giải pháp về quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, chương trình phát triển đô thị, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao sự nhiệt huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học trong và ngoài nước khi luôn đồng hành cùng Bộ Xây dựng cũng như các Bộ ngành liên quan, chính quyền và người dân trong việc nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời bày tỏ tin tưởng những nỗ lực của các nhà khoa học sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội thảo, PSG. TS. Trương Công Bằng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Miền Tây cho biết, đây là một trong những sự kiện chào mừng 45 năm ngày thành lập Trường (1976 - 2021) và 10 năm phát triển trường Đại học Xây dựng Miền Tây, đồng thời tạo môi trường giao lưu, trao đổi học thuật, nghiên cứu, giữa các nhà khoa học.

Tại hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày nhiều tham luận về các vấn đề: cơ chế, chính sách để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch xây dựng thích ứng với lũ lụt tiếp cận từ góc độ cảnh quan văn hóa, xây dựng đô thị thông minh tại Đồng bằng sông Cửu Long; công trình kiến trúc ứng phó với biến đổi khí hậu; các kết cấu, vật liệu phù hợp cho đặc điểm về nền đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở nhận định công trình bảo vệ bờ biển, đảo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước, và loại công trình này rất đa dạng do điều kiện tự nhiên, tác động của con người, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của người sử dụng, PGS.TS. Nguyễn Việt Phương - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất một số giải pháp triển vọng theo hướng thích ứng “mềm” với các điều kiện khó khăn của công trình bảo vệ bờ biển, đảo khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, bao gồm: sử dụng vật liệu rỗng tiêu sóng; bê tông đóng rắn nhanh; bê tông cường độ siêu cao, cốt phi kim; phát triển các dạng cấu kiện kiểu mới; định hướng công trình đa năng kết hợp công trình bảo vệ bờ với hạ tầng giao thông; định hướng công trình xanh, bền vững.

Kết thúc hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, PSG. TS. Trương Công Bằng cảm ơn các đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến, giải pháp để báo cáo Bộ Xây dựng và cơ quan quản lý nhà nước xem xét, nghiên cứu những giải pháp nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)