Giải pháp ổn định nền đường giao thông qua khu vực đất yếu

Thứ bẩy, 30/10/2021 16:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ổn định nền đường giao thông qua khu vực đất yếu là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm đảm bảo tính bền vững cho công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư. Xuất phát từ thực tế này, ngày 30/10/2021, Tạp chí Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp với Công ty Xi măng INSEE Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Giải pháp ổn định nền đường giao thông qua khu vực đất yếu”, với sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực địa kỹ thuật công trình, xây dựng, giao thông, vật liệu.


Tọa đàm “Giải pháp ổn định nền đường giao thông qua khu vực đất yếu”

Tại buổi tọa đàm, qua kinh nghiệm thiết kế xử lý nền đất yếu cho các tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, Tp. Hồ Chí Minh) bằng phương pháp bấc thấm hút chân không và trụ đất xi măng, KS. Đào Đức Trọng (Xí nghiệp Tư vấn thiết kế đường cao tốc và sân bay, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải Phía Nam) đã chia sẻ những bài học thực tiễn trong thiết kế và thi công các tuyến đường giao thông chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; phân tích các ưu – nhược điểm và phạm vi áp dụng của từng giải pháp xử lý nền đất yếu, từ đó đưa ra khuyến nghị lựa chọn giải pháp phù hợp để áp dụng cho các công trình tương tự.

Theo KS. Đào Đức Trọng, để đảm bảo chức năng giao thông trong khu vực Thủ Thiêm và kết nối với trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, 4 tuyến đường trục chính trong khu đô thị bao gồm Đại lộ vòng cung, Đường ven hồ trung tâm, Đường ven sông Sài Gòn và Đường vùng châu thổ - Đường châu thổ - Đường ven sông - Khu dân cư được đầu tư xây dựng trước và phải đảm bảo yêu cầu cao về kỹ thuật và thời gian thi công. Đây là khu vực có điều kiện địa chất công trình rất phức tạp, nền đất yếu với chiều dày lớn lớp đất chịu lực nằm sâu, nên đòi hỏi công tác khảo sát kỹ lưỡng, thiết kế xử lý nền đất yếu phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, kinh tế để mang lại hiệu quả tối đa cho dự án.

Vì vậy, giải pháp xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm hút chân không và trụ đất xi măng đã được đề xuất và áp dụng thành công tại dự án 4 tuyến đường trục chính, qua đó rút ra một số kinh nghiệm trong công tác thiết kế xử lý nền đất yếu, trên cơ sở đó có thể xem xét, so sánh đánh giá và áp dụng tại một số dự án tương tự trong khu vực. Mỗi giải pháp đều được tổng hợp các thông số thiết kế chính, phân tích ưu điểm, nhược điểm và phạm vi áp dụng cho từng giải pháp, đồng  thời so sánh kết quả tính toán theo lý thuyết và kết quả quan trắc thực tế ngoài công trường nhằm đánh giá các thông số lựa chọn ở giai đoạn thiết kế.

Cùng nhằm mục đích ổn định nền đường giao thông qua khu vực đất yếu, KS. Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Xi măng INSEE đưa ra những giải pháp về sử dụng vật liệu xây dựng, thông qua tham luận “Giải pháp xi măng cho gia cố nền đất bằng phương pháp trụ đất xi măng, cọc Jet-grouting và móng đường qua khu vực đất yếu”.

KS. Nguyễn Đăng Khoa cho biết, các công trình giao thông đi qua Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có điều kiện địa chất khá phức tạp và đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng - luôn cần được chú trọng tới công tác gia cố, xử lý nền đất yếu để tăng độ ổn định và tuổi thọ cho công trình. Đặc biệt, các công nghệ thi công có độ tin cậy cao, chi phí phù hợp và thời gian thi công nhanh như trụ đất gia cố xi măng, cọc Jet-grouting đang được ứng dụng rộng rãi để xử lý nền cho các công trình giao thông trọng điểm, và cả các công trình giao thông trong các khu công nghiệp.

Đối với giải pháp xi măng trộn đất, ngoài công nghệ thi công thì chất lượng xi măng có vài trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng trụ đất xi măng/cọc Jet-grouting. Theo đó, loại xi măng xỉ lò cao PCBBFS40 loại II hoặc PCBBFS50 loại II tuân theo Tiêu chuẩn TCVN 4316:2007 với các tính năng tương thích tốt với các lớp đất khác nhau như sét dẻo, bùn... đã khẳng định chất lượng qua nhiều dự án lớn như Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường Vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, các tuyến đường trong khu đô thị Thủ Thiêm, các dự án cải tạo đê, kè khác tại khắp các tỉnh thành khu vực phía Nam. Hơn nữa, loại xi măng này còn góp phần chống lại các yếu tố xâm thực có trong môi trường, giúp tăng độ bền cho trụ đất xi măng.


Các chuyên gia, đại biểu tham dự buổi Tọa đàm thông qua ứng dụng trực tuyến

Trong phần tham luận của mình, GS TS. Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết: Vùng đồng bằng sông Cửu Long do nền đất yếu nên phải sử dụng cát để tăng ổn định công trình nhà ở, đường giao thông và đê bao, bờ bao.Tuy nhiên, trước thực trạng khai thác quá mức tài nguyên cát tự nhiên, Viện Thủy công (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) được giao thực hiện đề tài nghiên cứu giải pháp cứng hóa bùn nạo vét tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm thay thế cát xây dựng. Đây là nghiên cứu mang tính đa mục tiêu, nếu tận dụng nguồn bùn thải này phối trộn với chất kết dính để cứng hóa, làm nền móng cho đê bao, bờ bao và cho các khu dân cư vượt lũ thay thế sử dụng cát như hiện nay thì ý nghĩa rất lớn. Viện Thuỷ công đã nghiên cứu sử dụng chất kết dính gồm tro bay, vôi, tro xỉ các nhà máy nhiệt điện để làm cứng đất, tạo ra đất nhân tạo có thể làm móng đê, móng đường thay cho cát tự nhiên, như vậy còn giảm tác động ô nhiễm môi trường. Việc nghiên cứu giải pháp này đã có kết quả tốt, có thể sản xuất với số lượng lớn.

Kết luận buổi tọa đàm, thay mặt Ban tổ chức, Nhà báo Nguyễn Thái Bình- Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng cảm ơn các diễn giả, chuyên gia, đại biểu khách mời đã quan tâm, dành thời gian tham gia và chia sẻ những kiến thức chuyên sâu cũng như những kinh nghiệm thực tiễn về giải pháp ổn định nền đường giao thông qua khu vực đất yếu. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp những đóng góp này làm cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu khoa học có liên quan.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)