Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện và các giải pháp đồng bộ khác nhằm nâng cao chất lượng, bảo vệ các công trình bê tông và bê tông cốt thép vùng chua phèn – Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 08/10/2021 17:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 05/10/2021, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng họp đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện cho các công trình bê tông và bê tông cốt thép vùng nhiễm mặn và vùng chua phèn – Đồng bằng sông Cửu Long”, mã số TĐ 18-17, do Viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì. Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS. Nguyễn Quang Hiệp –Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng chủ trì cuộc họp.

Báo cáo Hội đồng, Th.S. Uông Hồng Sơn chủ nhiệm đề tài, cho biết: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Do đặc điểm và điều kiện địa lý, môi trường đất và môi trường nước tại nhiều nơi của vùng bị nhiễm mặn, chua phèn. Các công trình xây dựng có sử dụng kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trong khu vực này có nguy cơ bị ăn mòn bởi xâm thực chua phèn, cần có các nghiên cứu tổng thể nhằm tìm giải pháp đồng bộ, đảm bảo chất lượng kết cấu và độ bền lâu theo thiết kế. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cho bê tông ở những môi trường đặc thù như vùng bị chua phèn hay vừa bị nhiễm mặn vừa bị chua phèn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn ít, hạn chế. Chính vì vậy, nghiên cứu của đề tài là cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ bao gồm báo cáo tổng kết đề tài và Chỉ dẫn kỹ thuật “Bảo vệ kết cấu bê tông, bê tông cốt thép trong môi trường chua phèn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Báo cáo tổng kết cho thấy các kết quả nghiên cứu nhóm đề tài đã đạt được cũng như các nội dung chính của đề tài. Cụ thể, đề tài đã nghiên cứu tổng quan về mức độ nhiễm chua phèn của đất và nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khảo sát tính chất của nguyên vật liệu sử dụng trong nghiên cứu; nghiên cứu các tính chất của chất của bê tông dùng tro bay; nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường chua phèn đến các tính chất của bê tông và bê tông cốt thép; nghiên cứu giải pháp đồng bộ vật liệu, thiết kế, thì công để nâng cao và bảo vệ kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trong môi trường chua phèn; biên soạn Chỉ dẫn kỹ thuật “Bảo vệ kết cấu bê tông cốt thép trong môi trường chua phèn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhận xét về kết quả nhiệm vụ, hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Nguyễn Duy Hiếu (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và PGS.TS. Lê Trung Thành (Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng) cùng các chuyên gia trong Hội đồng đánh giá: đề tài này có ý nghĩa thực tiễn, hoàn thiện công nghệ sản xuất bê tông dùng tro bay và góp phần xử lý môi trường. Kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao cho các đơn vị tư vấn thiết kế và doanh nghiệp sản xuất bê tông phục vụ công trình xây dựng chịu tác động của đất chua phèn, thường xuyên hoặc có chu kỳ của nước chua phèn.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị nhóm đề tài chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hơn báo cáo tổng kết. Phần tổng quan thiếu đánh giá các kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại cần nghiên cứu tiếp. Phần nội dung nghiên cứu về ăn mòn vật liệu bởi môi trường chua phèn còn chưa rõ phương pháp nghiên cứu. Phần nội dung cấp phối và thực nghiệm các tính chất của bê tông chưa liên kết rõ với mục đích nghiên cứu là nâng cao chất lượng và bảo vệ kết cấu bê tông và bê tông cốt thép. Nhóm đề tài cũng cần bổ sung các lý giải khoa học và so sánh với các quy luật về các tính chất kỹ thuật của bê tông sử dụng tro bay do các nghiên cứu khác trong và ngoài nước đã công bố, nhằm khẳng định độ tin cậy các kết quả nghiên cứu của đề tài.

Hội đồng thống nhất tên của nhiệm vụ là “Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện và các giải pháp đồng bộ khác nhằm nâng cao chất lượng, bảo vệ các công trình bê tông và bê tông cốt thép vùng chua phèn – Đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả đạt loại Khá.

Ninh Hoàng Hạnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)