Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang Nguyễn Sáng Vang, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cùng các lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã tiếp đoàn.
Bộ mặt đô thị Tuyên Quang đã khang trang hơn
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Tuyên Quang: Trong điều kiện của một tỉnh miền núi khó khăn, Tuyên Quang chỉ có đường bộ với chất lượng còn thấp (đường cao tốc đã quy hoạch chứ chưa được đầu tư xây dựng), việc kết nối với các trung tâm kinh tế hạn chế, việc thu hút đầu tư không thuận lợi nhưng tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 23,6%, tổng thu ngân sách tăng hơn 50%, bê tông hóa được 415 km đường giao thông nông thôn… Tỉnh đã thực sự quan tâm đầu tư cho phát triển đô thị (ĐT), trong đó có TP Tuyên Quang và 5 thị trấn huyện lỵ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bước đầu có bước phát triển.
“TP Tuyên Quang có bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn, các tuyến chính giao thông đô thị cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Cấp nước ĐT cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thoát nước thải cũng đã có bước đầu để xử lý…. Điều này thể hiện Tuyên Quang đã quan tâm đầu tư cho hạ tầng theo hướng ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn, phục vụ cho đời sống người dân tốt hơn” – Thứ trưởng ghi nhận.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao Tuyên Quang trong công tác quy hoạch (QH). Tuyên Quang đã hoàn thành QH vùng tỉnh, QHC TP Tuyên Quang và các QHC xây dựng ĐT, QH phân khu, QH chi tiết, QH chuyên ngành… để quản lý phát triển đô thị có trật tự và làm cơ sở để thu hút đầu tư.
Tỉnh đã rất chủ động xây dựng chương trình phát triển ĐT. Hiện nay Bộ Xây dựng đang xây dựng thông tư hướng dẫn cho các tỉnh xây dựng chương trình phát triển ĐT cho các tỉnh, nhưng Tuyên Quang đã nhanh chóng thực hiện. “Đây là kết quả rất tích cực” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cần cân nhắc mức độ tham gia của tư vấn nước ngoài trong đồ án QH
Để giúp Tuyên Quang thực hiện tốt hơn công tác QH và phát triển đô thị, Thứ trưởng đề nghị: Mặc dù đã có QH vùng tỉnh, nhưng để nâng cao chất lượng QH, Tuyên Quang cần tiếp tục rà soát QH vùng tỉnh cho phù hợp với QH vùng Trung du miền núi phía Bắc, QH liên tỉnh Na Hang- hồ Ba Bề…
Đồng thời, tỉnh cũng cần rà soát các QH khác như QHC TP Tuyên Quang theo định hướng dài hơi; rà soát lại chương trình phát triển ĐT toàn tỉnh, chương trình phát triển cho từng ĐT, trong đó xác định rõ từng nguồn lực để đầu tư…
Ủng hộ chủ trương thuê tư vấn nước ngoài tham gia nghiên cứu điều chỉnh QHC TP Tuyên Quang, tuy nhiên Thứ trưởng cũng lưu ý tỉnh cân nhắc mức độ tham gia của tư vấn nước ngoài như thế nào. Vụ kiến trúc QH của Bộ sẽ cùng tham gia để xem xét mức độ thế nào cho hợp lý, với mục tiêu QH có tầm nhìn, chất lượng.
Đoàn công tác Bộ Xây dựng kiểm tra tình hình xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Đại diện của Vụ Kiến trúc QH – thành viên Đoàn Công tác - cũng đã khuyến nghị các địa phương nên thuê tư vấn nước ngoài với tư cách làm chuyên gia về ý tưởng, chứ không khoán trắng toàn bộ QH cho tư vấn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị Tuyên Quang tiếp tục chú trọng triển khai QHPK, QH chi tiết… TP Tuyên Quang đã có thiết kế ĐT song tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sớm ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị để làm công cụ quản lý phát triển ĐT chất lượng, đảm bảo về mặt kiến trúc, cảnh quan. Đây cũng là 1 trong những cơ sở để cấp phép xây dựng.
Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Thứ trưởng đề nghị Tuyên Quang chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là các khu công nghiệp, những nhà máy có khả năng gây ô nhiễm...
Dành cho Tuyên Quang sự quan tâm đặc biệt
Riêng đối với Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc, vay vốn WB - Tiểu dự án TP Tuyên Quang (được với phân bổ mức kinh phí dự kiến 31,99 triệu USD), Đoàn Công tác Bộ Xây dựng đánh giá cao sự quan tâm của các sở ban ngành, nhất là lãnh đạo tỉnh đối với Tiểu Dự án.
Đoàn Công tác ghi nhận: “Là tỉnh được bổ sung tham gia sau nhưng Tuyên Quang đã bám sát và theo kịp được tiến độ của Chương trình”. Vào thời điểm này, tỉnh cần quyết định chính xác trong việc đưa ra danh mục hạng mục đầu tư phù hợp. Dự kiến cuối tháng 6/2014, Chương trình ký Hiệp định và đầu tháng 10/2014 có thể triển khai thi công những hạng mục đầu tiên…
Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hiệu quả các bước tiếp theo của Chương trình. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý, vận hành khi tiếp nhận dự án.
“Chương trình có hướng tiếp cận mới, khi được tham gia, TP Tuyên Quang không chỉ đầu tư một dự án xong là xong mà sau đó tỉnh, TP còn có năng lực để tiếp nhận đầu tư các dự án khác” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh – “Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan điều phối, thường trực là Cục Phát triển Đô thị sẽ phối hợp với các tỉnh đẩy nhanh tiến độ Chương trình”.
Thứ trưởng cam kết: Tuyên Quang là một tỉnh đặc biệt, là Thủ đô Kháng chiến. Trên tinh thần hỗ trợ chung các địa phương, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm giúp đỡ tỉnh trong việc ưu tiên bố trí các nguồn vốn vay xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, xử lý rác thải. Bộ Xây dựng sẽ làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để phối hợp cùng tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư theo các chương trình này. Bộ cũng ủng hộ tỉnh trong các chương trình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, công nhân...
Cùng đi với Thứ trưởng, các thành viên Đoàn công tác cũng đề nghị Tuyên Quang lưu ý bám sát thông tư 06 của BXD về thiết kế ĐT. Là tỉnh miền núi rất đặc thù, Sở Xây dựng cần quan tâm đến phát triển không gian kiến trúc ĐT. Tuyên Quang không phải là tỉnh có dân số đông nên không đầu tư CSHT quá dàn trải, vì rất tốn kém. Trong việc xem xét nâng cấp TP Tuyên Quang lên loại II, tỉnh cần tập trung xem hiện TP còn thiếu những tiêu chí đô thị loại III nào để tập trung đầu tư, đồng thời nghiên cứu, phân tích xem cần chuẩn bị những gì cho ĐT loại II nhằm tránh đầu tư dàn trải.
Các thành viên Đoàn Công tác cũng lưu ý: DA nhà máy xử lý chất thải rắn của tỉnh đã được duyệt nhưng Tuyên Quang cần lựa chọn công nghệ cần phù hợp với Việt Nam cũng như xem xét đến giá thành xử lý rác hợp lý. Là tỉnh đầu nguồn của sông, Tuyên Quang cần quan tâm bảo vệ môi trường, không chỉ cho chính địa phương mà còn cho cả các tỉnh khác ở dưới hạ nguồn…
Thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết: Trong những năm qua, mạng lưới đô thị (ĐT) của tỉnh đã phát triển với tốc độ cao, cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 01 đô thị loại III (TP Tuyên Quang) và 05 đô thị loại V. Riêng huyện Lâm Bình thành lập năm 2011 trên cơ sở điều chỉnh địa giới huyện Na Hang và Chiêm Hóa, chưa có đô thị trung tâm huyện.
Tuyên Quang đã hoàn thành QH vùng tỉnh, quy hoạch chung xây dựng toàn bộ các đô thị trên địa bàn, đồng thời hoàn thành QH chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các phường, xã TP Tuyên Quang; QH phân khu trung tâm thị trấn huyện lỵ. Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng hoàn thành các QH chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, quản lý chất thải rắn…
Cũng theo ông Chẩu Văn Lâm Lâm, Tuyên Quang đã thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến tính chất đô thị miền núi, địa hình đa dạng, khai thác cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc dân tộc. Các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đều được công bố công khai và bàn giao cho chính quyền, các chủ dự án tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thị trấn. Tỉ lệ các hộ dân ĐT được cấp nước sạch từ 70-90%, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại TP đạt 95%, bê tông hóa đường giao thông nông thôn ...
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn còn thiếu nhiều QH chưa hoàn thành như QH cây xanh, chiếu sáng…. Tỉnh cũng chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ngân sách hàng năm dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn ít, công tác tổ chức quản lý ĐT còn nhiều bất cập, đội ngũ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu… Ngay cả TP Tuyên Quang dù đã được công nhận là ĐT loại III nhưng một số tiêu chí còn chưa đạt…
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ ngành Trung ương quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho tỉnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội nói chung và trong Chương trình nâng cấp đô thị miền núi 7 tỉnh phía Bắc– Tiểu dự án TP Tuyên Quang nói riêng. Đề nghị Bộ Xây dựng ưu tiên và bố trí các chương trình, dự án liên quan đến phát triển ĐT, nguồn vốn vay từ các tổ chức như WB, ADB và các nguồn vốn khác để tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, rác thải; đầu tư cơ sở hạ tầng thị trấn Na Hang và huyện Lâm Bình. Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Bộ hỗ trợ các dự án về nâng cấp ĐT, nhà ở công nhân, các chương trình về xử lý rác thải, nước thải tại các ĐT trên địa bàn tỉnh…
Huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia bê tông hóa giao thông nông thôn Trước đó, chiều 22/9, đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình thực tế việc xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Mỹ Bằng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là xã điểm thực hiện rất thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia bê tông hóa giao thông nông thôn. Theo ông Bùi Quang Hùng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng, sau hơn 2 năm triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn, đến nay, toàn xã với 25 thôn đã làm được hơn 100 km đường bê tông, hoàn thành mục tiêu bê tông hóa đường thôn, bản. Điều này đã tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của xã phát triển, đặc biệt là mở rộng thị trường chè sang các tỉnh khác, nhiều tư nhân cũng đã bước đầu bỏ tiền ra đầu tư xe đưa đón học sinh… Ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi triển khai việc xây dựng đường bê tông, đầu tiên xã đã quán triệt quyết tâm của toàn bộ cán bộ xã, tổ chức việc tính toán giá thành xây dựng cũng như xác định rõ bao nhiêu kilomet tuyến đường sẽ phải xây dựng, sau đó mới triển khai đến người dân. Sau khi triển khai thí điểm ở một thôn, xã đã phát động toàn bộ các thôn trong xã cùng thực hiện và có chính sách khen thưởng cho các thôn thực hiện tốt. Thôn nào thực hiện thành công khi tổng kết đều tổ chức mời các thôn khác đến tham dự. Vì vậy, cả người dân trong thôn, xã đã cùng nhau tham gia đóng góp ý kiến, người thì góp tiền, người góp bằng công sức, các thôn được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và sáng tạo ra những cách làm mới, hiệu quả. Sau khi thực hiện thành công xây dựng bê tông hóa đường thôn, bản, đến năm 2013, xã Mỹ Bằng đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nhà văn hóa, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới. Trong năm 2012, xã đã hoàn thành được 03 nhà văn hóa và khởi công 16 nhà văn hóa trong năm 2013. Đánh giá cao cách làm sáng tạo của xã Mỹ Bằng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Thành công của xã là đã thay đổi nhận thức của người dân, khiến người dân nhận thức được rằng việc xây dựng đường nông thôn không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Đây cũng là kinh nghiệm hay để các địa phương khác học tập, nhằm thực thực hiện thành công bê tông hóa đường thôn, bản. Hiện toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 1500 km đường bê tông nông thôn. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, tỉnh đã thực hiện bê tông hóa 415 km đường thôn, bản, đạt 93,2% kế hoạch. |
Theo : Báo Xây dựng điện tử