Tại tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Trần Đăng Ninh và lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh. Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và đoàn công tác, Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình Trần Hồng Quang cho biết, trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình hết sức chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Cụ thể UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hòa Bình đến năm 2020, đồ án quy hoạch vùng tỉnh đến năm 2020, chỉ đạo các huyện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng các thị trấn huyện lỵ trên địa bàn. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Xây dựng Hòa Bình tổ chức lập các đồ án quy hoạch xây dựng tại các khu vực trong vùng động lực phát triển của tỉnh, khu vực có tốc độ thu hút đầu tư cao hai bên tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, khu vực Hòa Sơn – Lương Sơn, khu vực khai thác du lịch và nước khoáng tại Kim Bôi…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng tập trung chỉ đạo tổ chức lập các đồ án quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng như quy hoạch thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn; quy hoạch hệ thống nghĩa trang, quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hòa Bình và các đô thị thuộc các huyện làm cơ sở để làm quản lý và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Về quy hoạch nông thôn mới, đến nay 100% số xã trong tỉnh đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, 70% xã đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã phục vụ cho việc xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới.
Liên quan đến Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình trong khuôn khổ Chương trình nâng cấp đô thị theo quyết định số 1659/QĐ-TTg, tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương lập và hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 2 thị trấn Lương Sơn và Mai Châu giai đoạn 2012 – 2015 trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV trong năm 2013; hoàn thành việc lập chương trình phát triển đô thị và rà soát đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của 2 đô thị này trong quý I/2014… Trên cơ sở đề án nâng cấp 2 đô thị đó, UBND huyện Lương Sơn và UBND huyện Mai Châu sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư…
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện Chương trình quá ngắn, 2 đô thị trên còn thiếu khá nhiều tiêu chí để trở thành đô thị loại IV, do vậy UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian đến năm 2020.
Cũng trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh, trong năm 2013, Hòa Bình đang tiến hành rà soát đánh giá các chỉ tiêu về đô thị đã và sẽ đạt được trong thời gian tới của thành phố để xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh các tiêu chí của đô thị loại III, làm cơ sở xây dựng kế hoạch nâng cấp lên đô thị loại II. Dự kiến, trong các năm 2015 – 2016, sẽ tiến hành lập đề án nâng cấp đô thị thành phố Hòa Bình từ loại III lên loại II.
Báo cáo về “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – Tiểu dự án TP Hòa Bình”, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết: Trước mắt, Tiểu dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2015- 2016) có tổng mức đầu tư là 7,350 triệu USD, trong đó 7,15 triệu USD vốn ODA, vốn đối ứng là 200 nghìn USD, sẽ tập trung cải các đường Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Võ Thị Sáu trong khu dân cư Chăm Mát và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho phường Chăm Mát; nâng cấp, cải tạo đường Lê Thánh Tông, cải thiện đường giao thông trên địa bàn phương Tân Thịnh, Hữu Thịnh. Các hệ thống cơ sở hạ tầng này hiện không vướng mắc về mặt bằng, rất thuận tiện cho việc triển khai nhanh, hiểu quả hợp phần của tiểu dự án.
Giai đoạn 2 của tiểu dự án (giai đoạn 2017 – 2020) có tổng mức đầu tư là 25,261 triệu USD, trong đó vốn ODA 22,717 triệu USD, vốn đối ứng là 2,744 triệu USD sẽ nâng cấp cải tạo 2 đường Hoàng Hoa Thám, Lương Thế Vinh trong khu dân cư Chăm Mát và xây dựng cầu Hòa Bình 3, kết nối bờ trái với bờ phải của thành phố, kết nối trung tâm tỉnh Hòa Bình với các tỉnh lân cận, tạo thêm động lực cho thành phố phát triển kiến trúc và mở rộng không gian đô thị.
Trong điều kiện triển khai tiểu dự án thuận lợi, đạt tiến độ, thành phố sẽ đề xuất tiếp giai đoạn 3 tiểu dự án tại kỳ xem xét tăng vốn giữa 2017.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Trần Đăng Ninh khẳng định: Tỉnh và thành phố Hòa Bình nhận định Chương trình đô thị miền núi phía Bắc vay vốn của WB là cơ hội phát triển đô thị, do vậy tỉnh đặc biệt ưu tiên bố trí vốn đối ứng để bảo đảm triển khai dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hòa Bình trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành, triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm cho các đối tượng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở (theo quyết định 167/2008/QĐ – TTg) giai đoạn 1…
Các thành viên đoàn công tác đề nghị tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư và làm cơ sở để quản lý phát triển hiệu quả. Hòa Bình nằm trong vùng Thủ đô, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô, một số trường đại học sẽ được bố trí trên địa bàn do vậy ngay từ bây giờ, tỉnh cần bố trí quỹ đất đón các trường nói trên.
Tỉnh Hòa Bình cũng cần cân nhắc, xem xét đầu tư các dự án hạ tầng kỹ theo lộ trình và kế hoạch; chú trọng cấp nước sạch không chỉ cho đô thị và cho các điểm dân cư nông thôn; cải thiện tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch của Hòa Bình rất cao, xấp xỉ 30%. Đối với các đô thị bên sông, Hòa Bình phải lập quy hoạch bảo vệ lưu vực sông, bảo vệ nguồn nước…
Theo phân tích của các thành viên đoàn công tác, tỉnh Hòa Bình có những thuận lợi như nằm trên trục giao thông chính nhưng khó khăn về nguồn lực, do vậy tỉnh phải xác định rõ đô thị nào đô thị trung tâm, đô thị nào chức năng phục vụ, dịch vụ để các đô thị không cạnh tranh lẫn nhau, hạn chế khả năng phát triển. Đối với việc nâng cấp đô thị, Đoàn công tác nêu rõ quan điểm của Bộ Xây dựng là chú trọng chất lượng đô thị, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân. Đây cũng là tinh thần được đưa vào dự thảo Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, thay thế Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị. Theo đó, các tiêu chí nâng cấp đô thị sẽ chặt chẽ hơn, không đặt nặng về quy mô dân số mà theo hướng đề cao chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tiện nghi cho người dân.
Đối với Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – tiểu dự án Hòa Bình, đoàn công tác Bộ Xây dựng lưu ý: Vai trò của chính quyền thành phố rất quan trọng. Bên cạnh đầu tư các hạng mục theo danh mục được duyệt, thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng năng lực quản lý của chính quyền đô thị, bảo đảm tính vền vững của các hạng mục, của tiểu dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; tiếp tục xem xét triển khai các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn trong mối quan hệ với vùng; khẩn trương thống kê, tập hợp số liệu các hộ nghèo cần được hỗ trợ trong Chương trình 167 giai đoạn 2 để sẵn sàng triển khai có hiệu quả khi Chính phủ cấp kinh phí. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ủng hộ địa phương phát huy truyền thống trong kiến trúc nhà sàn bằng bê tông cho nhà ở nông thôn như cách đồng bào Hòa Bình làm.
Đối với đề xuất xin giãn tiến độ nâng cấp đô thị Lương Sơn, Mai Châu lên đô thị loại IV, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Xây dựng để làm căn cứ điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình.
Liên quan đến các kiến nghị về văn bản pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, những năm qua, Bộ Xây dựng đã và đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy. Luật Xây dựng (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. Chính phủ cũng đã ban hành 2 nghị định quan trọng là Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định 15/2013/NĐ – CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng. Bộ đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2013/NĐ – CP để những tinh thần đổi mới của 2 nghị định sớm đi vào cuộc sống. Riêng với nghị định 11/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ để sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn như nội dung liên quan đến việc hình thành BQL khu vực phát triển đô thị…
Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng yêu cầu các Cục, Vụ chức năng của Bộ hướng dẫn Sở Xây dựng Hòa Bình trong chuyên môn cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề nghị Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn./.
Phòng TT-TL