Vừa qua, tại TP.HCM, Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn đã tổ chức hội thảo “Đánh giá quỹ di sản kiến trúc vùng Nam bộ”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn tham dự.
Ở Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng, kiến trúc tôn giáo và sông nước mang tính đa dạng phong phú với nhiều loại hình; kiến trúc cổ ở vùng đất này còn là những công trình công cộng có niên đại vào thời Pháp thuộc và ngày càng phát triển với quy mô rộng lớn. Với các loại hình kiến trúc này đã có một số thành công về tính dân tộc và hiện đại. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đi sâu vào phân tích giữa các loại hình kiến trúc đặc trưng cho từng vùng, miền, nguồn gốc ra đời từng loại hình kiến trúc ở từng triều đại, thời kỳ... TS.KTS Lê Quang Ninh (Hội KTS TP.HCM) cho rằng, mỗi một địa phương ở Nam bộ đều mang một kiến trúc đặc thù riêng, ví dụ như kiến trúc sông nước thì có Cần Thơ, Sa Đéc, Trà Vinh... Di sản kiến trúc của vùng Nam bộ nếu bắt đầu từ văn hóa tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, thánh, thất hay lăng tẩm thì có thể chỉ ra không ít như các công trình Chùa Bà, chùa Vĩnh Nghiêm, Xá lợi ở Sài Gòn... ở đâu có bà thì ở đấy có Chùa Bà. Khác với miền Bắc và miền Trung, quỹ di sản kiến trúc miền Nam mang đậm kiến trúc tôn giáo đó là kiến trúc chùa và hội quán.
Hiện nay, để trùng tu tôn tạo, khôi phục lại những kiểu kiến trúc cổ, không ít địa phương đã làm lệch lạc biến dạng quần thể kiến trúc. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn thì nên kế thừa có chọn lọc những nét kiến trúc cổ khi áp dụng vào các công trình mới để đáp ứng công năng cũng như nét sinh hoạt của thời đại mới.
Theo : Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn