Mở rộng, xây dựng Thủ đô Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

Thứ ba, 20/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong thảo luận tại hội trường ngày 19/5/2008, phần lớn đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh. Các ý kiến đều thống nhất rằng không gian hiện tại của Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ý nguyện của Bác Hồ.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Xây dựng đất nước ta, Thủ đô ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là thực hiện ý nguyện lúc sinh thời của Bác Hồ - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một vấn đề rất hệ trọng không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai của Thủ đô và của đất nước.

Mở rộng Thủ đô Hà Nội là một tất yếu khách quan

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc xây dựng đề án mở rộng Thủ đô Hà Nội có quá trình chuẩn bị khá dài - 6 năm và trong quá trình thực hiện, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, các hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế đều nhất trí việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh một số cơ sở khoa học của việc mở rộng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Đề án đã dựa vào tầm nhìn lâu dài xây dựng Thủ đô của một đất nước trên 100 triệu dân và có thể ổn định ở mức 120 đến 130 triệu dân. Tầm nhìn này đã xác định, Hà Nội là thủ đô đa chức năng. Tầm nhìn này cũng đã được xác định từ Hiến pháp năm 1946, được khẳng định lại trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng đất nước ta, Thủ đô nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Theo Phó Thủ tướng, địa giới Hà Nội hiện nay không đáp ứng được mục tiêu xây dựng thủ đô tương lai về kết cấu hạ tầng, giao thông, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội. Do vậy, việc mở rộng để phát triển Hà Nội là một đòi hỏi của thực tiễn.

Phó Thủ tướng cho biết, quá trình chuẩn bị của Chính phủ theo chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở ý kiến HĐND, biểu quyết của các xã, các huyện và các tỉnh, thành phố liên quan là quá trình chuẩn bị nghiêm túc, dân chủ, đúng trình tự pháp luật.

Quy hoạch giao thông phải đi trước một bước

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, cho rằng, với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, quỹ đất dành cho giao thông và địa giới hành chính hiện nay không thể thực hiện được quy hoạch hạ tầng giao thông cho Thủ đô. Phương án 1 mà Chính phủ đã trình bày là phương án tốt và có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện được quy hoạch phát triển giao thông vận tải theo hướng hiện đại, giải quyết một cách bền vững những vấn đề về giao thông của Thủ đô. Quy hoạch giao thông phải đi trước một bước thì mới có thể thực hiện được các quy hoạch phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện công tác tổ chức bộ máy quản lý Hà Nội mở rộng từ ngày 1/7/2008 là vì kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội mở rộng năm 2009 cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chậm nhất vào tháng 10/2008. Công tác tổ chức cán bộ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng phải bắt đầu sắp xếp từ tháng 7/2008 và ổn định dần vào cuối năm.

Đại biểu Lê Hữu Đức Đoàn Khánh Hòa phát biểu "Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn. Qua báo cáo của Chính phủ và theo dõi các thông tin, tôi thấy quá trình nghiên cứu gần 6 năm của Chính phủ với những kết quả khảo sát đánh giá, so sánh khá đầy đủ về các yếu tố, các lĩnh vực được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý và Chính phủ thực hiện đúng trình tự pháp luật, HĐND TP Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc nhất trí cao thì không thể coi là việc làm vội vàng thiếu cơ sở khoa học".

Mở rộng Hà Nội: Hợp ý Đảng, lòng dân

Đại biểu Võ Trọng Việt Đoàn Sơn La nhận định, "mở rộng Thủ đô là chủ trương hợp với ý Đảng, lòng dân, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Chính phủ".

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu khẳng định chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội là đúng đắn, đại biểu Vũ Văn Hiến Đoàn Hậu Giang nhất trí với phương án 1 và cho rằng "với khoảng thời gian chuẩn bị là 6 năm, tới 20 cuộc hội thảo, đưa ra 5 phương án để lựa chọn, rõ ràng đề án được chuẩn bị cẩn thận, kỹ càng. Tôi nghĩ rằng phương án 1 là phương án tốt nhất trong các phương án".

Đại biểu Phan Văn Tường Đoàn Thái Nguyên bày tỏ "Cá nhân tôi cho rằng thời điểm này quyết định mở rộng Thủ đô còn là chậm. Thực tiễn công tác quy hoạch chứng minh hiện nay, mỗi ngày trôi qua, vấn đề trên lại càng thêm phức tạp, lại càng thêm lãng phí tài sản của Nhà nước và của nhân dân".

Đại biểu Bàn Đức Vinh Đoàn Hà Giang nhấn mạnh, "sau khi nghe Chính phủ trình bày các Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số tỉnh và mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội, tôi và toàn thể các vị đại biểu trong Đoàn đại biểu của tỉnh Hà Giang hoàn toàn đồng tình với Tờ trình của Chính phủ. Bởi vì thời điểm này việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội đã chín muồi".

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang Đoàn Nghệ An nêu rõ, "chúng ta cần quyết định sớm việc mở rộng Thủ đô để giữ gìn quỹ đất, để Chính phủ có thể triển khai ngay việc xây dựng quy hoạch Thủ đô, đưa việc phát triển thiếu quy hoạch hiện nay vào kiểm soát, nếu không chúng ta sẽ trả giá đắt trong tương lai".

Cổng TTĐT Chính phủ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)