Ngành Xây dựng Vĩnh Phúc 50 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ sáu, 02/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cách đây 50 năm, ngày 29-4-1958, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ VIII Quốc hội khóa I do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng. Vào thời điểm đó, UBHC tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Ty kiến trúc, tiền thân của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc ngày nay.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.13425.1577' />
Xây cho nhà cao, cao mãi

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết lên những trang truyền thống vẻ vang.

Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, ngành Xây dựng được đầu tư xây dựng một số xí nghiệp gạch ngói có trang bị bán cơ giới như: XN gạch ngói Quất Lưu, Đoàn Kết, Thái Hòa, xây dựng nhà máy nước Vĩnh Yên và nhiều công trình quan trọng khác, phục  vụ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Mùng 2 tháng 3 năm 1963 khi Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã căn dặn: “Phải xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn vinh nhất miền Bắc. Thi đua làm theo lời Bác, ngành Xây dựng luôn luôn chăm lo xây dựng các điển hình tiên tiến, phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Phong trào đóng gạch khuôn 2 và khuôn 4 cùng với trát vảy trần bê tông của Vĩnh Phúc đã trở thành điển hình của toàn miền Bắc trong những năm của thập kỷ 60.

Giữa lúc miền Bắc đang ra sức sản xuất, xây dựng CNXH, năm 1965 đế quốc Mỹ đã tiến hành mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, CB, đảng viên, CNV ngành Xây dựng với quyết tâm và lòng dũng cảm đã nhanh chóng chuyển hướng sang xây dựng trong thời chiến. Thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, phong trào “Tay bay, tay súng”, phong trào học tập gương liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với tinh thần “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã trở thành cao trào rộng khắp trong ngành Xây dựng. Các xí nghiệp, công trường đều nêu cao khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Sản lượng VLXD trong những năm đánh Mỹ không ngừng được tăng lên. Chúng ta đã xây dựng hàng trăm hầm hào, lán trại cho các cơ quan T.Ư, Tỉnh ủy và UBND tỉnh sơ tán, xây dựng hàng trăm ụ pháo, bệ tên lửa, công trình KT-XH như: Nhà máy hoa quả Tam Dương, XN ép dầu Ngoại Trạch, XN tinh bột Liễn Sơn, trạm máy kéo Vũ Di, Nguyệt Đức, XN cơ khí Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương, nhà máy đường Quyết Tiến Mê Linh, nhà máy cơ khí Vĩnh Phúc, XN sứ Định Trung, nhà máy nước Vĩnh Yên, Bệnh viện Đông y Vĩnh Phúc, sân bay Đa Phúc v.v… Đồng thời, tham gia ứng cứu, phục vụ chiến đấu đánh trả máy bay địch nhiều trận được cấp trên khen ngợi. Ngành Xây dựng Vĩnh Phúc còn đưa hàng trăm CB, CN nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất cho tỉnh, ngành còn vinh dự được tham gia xây dựng giúp tỉnh Cao Bằng xây chợ thị xã, nhà máy hoa quả, nhà máy điện và tham gia xây dựng nhà máy phân đạm Bắc Giang.

Năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, ngành Xây dựng Vĩnh Phú được thành lập. Mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng CNXH. Thực hiện kế hoạch 5 năm 1976-1980, ngành Xây dựng đã nhanh chóng tập trung xây dựng lại và xây dựng mới nhiều nhà máy, xí nghiệp, trạm trại, kho tàng, bệnh viện, trường học, công trình kỹ thuật hạ tầng để ổn định và phát triển kinh tế. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, ngành Xây dựng đã tập trung xây dựng thành phố Việt Trì tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phú cùng nhiều công trình quan trọng khác trong tỉnh. Ngành Xây dựng vinh dự được cử một số thợ bậc cao tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tham gia khai thác cát sỏi Liễn Sơn cung ứng xây dựng Lăng Bác và cầu Thăng Long là những công trình trọng điểm của Nhà nước. Ngành Xây dựng còn luôn luôn chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật. Từ năm 1969 đến năm 1989, Trường đào tạo công nhân kỹ thuật của ngành Xây dựng đã đào tạo hàng chục nghìn công nhân mộc, nề, bê tông, cơ khí, điện, lái xe và hàng trăm cán bộ sơ cấp, trung cấp, đốc công, thiết kế kiến trúc, quy hoạch, phục vụ công cuộc xây dựng của tỉnh.

Trong kế hoạch 5 năm 1981-1985, ngành Xây dựng đã xây dựng nhiều công trình có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, trong 15 năm từ 1981-1996 ngành Xây dựng đã đưa hàng trăm lượt CB-CNV sang nước CHDCND Lào giúp tỉnh Luông Nậm Thà kết nghĩa xây dựng nhiều công trình quan trọng, được bạn đánh giá cao. Ngành còn đóng góp công sức xây dựng 10.000m2 nhà ở cho công trường thủy điện Hòa Bình; khảo sát, quy hoạch xây dựng giúp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và lập quy hoạch đồi rừng phục vụ hội nghị đồi rừng toàn quốc năm 1983 do tỉnh đăng cai.

Từ khi tái lập tỉnh 1-1-1997 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát triển nhanh lực lượng. Đến năm 2003, toàn ngành có 10 doanh nghiệp Nhà nước và 1 Trung tâm QHXD và  kiểm định chất lượng xây dựng công trình, 2 công ty quản lý đô thị thuộc cấp huyện và hàng trăm doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế. Năm 2005 đã thực hiện cổ phần hóa 8 doanh nghiệp, còn lại 2 công ty cấp thoát nước và vệ sinh môi trường chuyển sang doanh nghiệp hoạt động công ích, hiện đang chuẩn bị chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với yêu cầu mới. Đồng thời thành lập thêm trung tâm giám sát và kiểm định chất lượng xây dựng. Số doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh đến nay lên tới gần 500 doanh nghiệp. Số cán bộ trên đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp của toàn ngành đã có trên 500 người và hàng nghìn công nhân kỹ thuật bậc 3 trở lên.

Cùng với việc phát triển lực lượng, ngành đã chú trọng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước theo nhiệm vụ được UBND tỉnh và Bộ Xây dựng giao cho. Đặc biệt, đã đề xuất với UBND tỉnh cho ban hành nhiều văn bản pháp quy của tỉnh, cụ thể hoá các nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng XDCB, quản lý đô thị, nhà ở, hạ tầng đô thị và quản lý VLXD cho sát với thực tế của địa phương.

Bám sát định hướng phát triển KT-XH của tỉnh đã được Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Vĩnh Phúc lần thứ 13 và 14 đề ra, đặc biệt là 10 chương trình KT-XH, trong đó có chương trình phát triển đô thị và thị tứ nông thôn Vĩnh Phúc, ngành Xây dựng đã tập trung lập và trình duyệt quy hoạch tổng thế phát triển đô thị và thị tứ trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020; quy hoạch chung và QHCT các khu chức năng, các trục đường chính của thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, trung tâm các huyện trong tỉnh. Đến nay 11/11 đô thị trong tỉnh đã có quy hoạch được duyệt, với diện tích đất đô thị trên 5.000 ha. 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị kinh tế của tỉnh đã được đầu tư xây dựng. Trên 50% số xã đã có quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn mới và QHCT trung tâm xã. Hầu hết trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND các xã, phường đã được đầu tư xây dựng 3 tầng kiên cố. Các công trình hạ tầng xã hội như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hoá xã đã được xây dựng mới và cải tạo mở rộng 2, 3 tầng khang trang. Việc đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 1997 đến nay đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt bộ mặt kiến trúc trong tỉnh từ đô thị đến nông thôn. Đã có nhiều công trình kiến trúc đẹp và hiện đại như trụ sở Tỉnh ủy, trụ sở HĐND - UBND tỉnh, nhà thi đấu thể thao tỉnh, khu vui chơi giải trí Sông Hồng thủ đô, khu du lịch Hoàng Quy, khu ô thị mới chùa Hà Tiên Vĩnh Yên, khu đô thị mới Long Việt Mê Linh, làng du lịch Lạc Hồng Tam Đảo, Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, khu du lịch Đại Lải, sân golf Tam Đảo, sân golf nam Vĩnh Yên. Đô thị mới Mê Linh huyện Mê Linh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch có quy mô trên 14.000ha, với tiêu chuẩn đô thị loại 1 cũng đang được đầu tư xây dựng. Do chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nên năm 2006 thị xã Vĩnh Yên đã được nâng cấp lên thành phố Vĩnh Yên từ đô thị loại 4 lên đô thị loại 3, thị trấn Phúc Yên được nâng cấp lên đô thị loại 4 và trở thành thị xã. Đến nay thêm 5 thị trấn mới là Thổ Tang, Gia Khánh, Thanh Lãng, Tam Sơn, Hoa Sơn là những xã có tốc độ đô thị hoá cao, cơ sở hạ tầng phát triển đã được Chính phủ công nhận, nâng tổng số đô thị toàn tỉnh lên 13 đô thị.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội 14 của tỉnh Đảng bộ Vĩnh Phúc, tập trung phát triển công nghiệp làm nền tảng kinh tế, lấy kinh tế du lịch làm mũi nhọn, trong những năm qua, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã tích cực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế QHXD các khu, cụm công nghiệp CCN tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 khu và CCN với diện tích hơn 3.000ha, thu hút được hơn 500 dự án FDI và DDI với tổng số vốn hơn 3 tỷ USD. Trong đó có 7 khu công nghiệp KCN đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập và cho phép thành lập. KCN Khai Quang và Quang Minh hầu như đã lấp đầy dự án.

Về hạ tầng đô thị, trong những năm qua cũng được phát triển mạnh, các trục đường giao thông huyết mạch của tỉnh được phát triển như: QL2A, QL2B, QL2C, tỉnh lộ 317, 310, một số tuyến đường mới đã được xác định tuyến và chuẩn bị đầu tư. Nhà máy nước Vĩnh Yên, Phúc Yên đã được mở rộng nâng công suất lên 36.000 m3/ngđ cung cấp nước sạch cho thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và các KCN trong tỉnh. Về vật liệu xây dựng cũng không ngừng được phát triển phục vụ cho nhu cầu xây dựng của tỉnh. Đến nay, Vĩnh Phúc đã có quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020 và quy hoạch thăm dò khoáng sản làm VLXD đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Sản lượng gạch xây đứng thứ 2 miền Bắc; gạch ốp, lát chiếm 1/3 sản lượng toàn quốc.

Công tác quản lý kinh tế, kỹ thuật và quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được tăng cường và đầu tư nhiều thiết bị hiện đại cho công tác kiểm định. Sở Xây dựng đã không ngừng cải tiến thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng các hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, hồ sơ giới thiệu địa điểm và cấp giấy phép xây dựng. Thường xuyên kiểm tra thực hiện đầu tư xây dựng và chất lượng thi công tại nhiều công trình trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Công tác quản lý xây dựng ở cấp huyện đã được tăng cường và có sự phối hợp tốt giữa ngành và cấp trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng.

Công tác tư vấn thiết kế đã có nhiều tiến bộ. Các đơn vị tư vấn trong ngành không ngừng được phát triển về lực lượng và từng bước nâng cao về năng lực chuyên môn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng của tỉnh.

Ghi nhận công lao, thành tích của ngành Xây dựng Vĩnh Phúc trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân trong ngành 3 Huân chương Lao động hạng Nhì, 8 Huân chương Lao động hạng Ba, 11 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Cờ và Bằng khen của Bộ Xây dựng, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của UBND tỉnh, Công đoàn XDVN, LĐLĐ tỉnh và của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Gần 800 CB-CNV trong ngành đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng. Đặc biệt năm 2007, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 2 đơn vị trong ngành được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, trong thời gian tới ngành Xây dựng tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục thủ tục cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XDCB, đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển công nghiệp và làm tốt công tác quản lý QHXD được duyệt, tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng nâng cao chất lượng thẩm định thiết kế cơ sở. Tập trung hoàn thành quy hoạch vùng và QHC thành phố Vĩnh Phúc đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với quy mô 300 km2, dân số hơn 1 triệu người. Tích cực nghiên cứu đề xuất và thiết kế QHCT phát triển các KCN mới thuộc huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Yên Lạc, Lập Thạch, Vĩnh Tường, dọc trục đường xuyên á, quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu toàn tỉnh có 29 KCN vào năm 2010. Tập trung quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, làm tốt công tác GPMB, quy hoạch tái định cư và đất dịch vụ tại các KCN. QHXD mạng lưới điểm dân cư nông thôn, phấn đấu đến năm 2010, 100% xã có quy hoạch mạng lưới điểm dân cư và QHCT trung tâm xã góp phần thực hiện thắng lợi NQ số 03/NQ-TU của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp, nông thôn nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2020. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cải tạo mở rộng xây dựng các công trình cấp nước sạch, khai thác nước sông Lô để cung cấp nước sạch cho thành phố Vĩnh Yên, các huyện phía tây bắc tỉnh và các KCN mới. Đẩy mạnh thực hiện dự án xử lý chất thải rắn và thoát nước trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành việc xây dựng và mở rộng các trục giao thông chính trên địa bàn để thu hút đầu tư và phát triển KT-XH. Phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu: Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)