Hội thảo khoa học đề tài "Nghiên cứu mạng lưới các công trình vệ sinh công cộng khu vực nội thành Hà Nội"

Thứ sáu, 20/04/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 19/4/2007 Trung tâm Bảo vệ môi trường và Quy hoạch phát triển bền vững - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học đề tài "Nghiên cứu mạng lưới các công trình vệ sinh công cộng khu vực nội thành Hà Nội".

Đô thị hoá tăng kéo theo sự gia tăng dân số và mở rộng đất đai. Đô thị hoá đem lại cơ sở hạ tầng được nâng cấp và hoàn thiện, đời sống dân cư đô thị được nâng cao, nhiều cơ hội việc làm được tạo ra.

Với mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất mạng lưới công trình nhà vệ sinh công cộng trong nội thành Tp Hà Nội, trong phần giới thiệu khái quát về quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị trên thế giới sẽ tập trung nêu lên một số xu thế phát triển quan trọng sau:

- Sự gia tăng dân số đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn của các nước đang phát triển, sự gia tăng này không tỷ lệ thuận với mức độ cung cấp cơ sở hạ tầng tại các thành phố là nguyên nhân của nhiều vấn đề tiêu cực tại đô thị về mặt môi trường, xã hội và kinh tế.

- Xu thế toàn cầu về cách tiếp cận phát triển bền vững trong lĩnh vực quản lý và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển trong đó vai trò của tư nhân và cộng đồng ngày càng được phát huy cả về mặt tài chính và cơ chế quản lý vận hành.

Trong quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị trên thế giới đã nảy sinh nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội, với các nhu cầu sử dụng các tiện ích đô thị khác nhau. Những yếu tố phát triển đô thị có nhu cầu sử dụng mạng lưới các công trình vệ sinh công cộng:

- Đô thị hoá tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng các cơ sở hạ tầng đô thị tăng, trong đó có công trình nhà vệ sinh công cộng. Công trình vệ sinh công cộng được xem như là một bộ phận không thể tách rời trong mạng lưới cơ sở hạ tầng thiết yếu của đô thị.

- Công trình nhà vệ sinh công cộng còn là yếu tố phản ánh nét đẹp văn hoá về văn minh đô thị. Duy trì điều kiện vệ sinh, môi trường thân thiện của công trình thể hiện trình độ và ý thức về vấn đề này tại nước sở tại.

Công trình VSCC là công trình phúc lợi xã hội không thể thiếu tại các không gian công cộng, giao lưu cộng đồng, các tụ điểm sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí, thương mại. Công trình VSCC không thể tách rời trong mạng lưới cơ sở hạ tầng thiết yếu của đô thị, có vai trò đóng góp to lớn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và không gian đô thị. Công trình VSCC là yếu tố phản ánh nét đẹp văn hoá về văn minh đô thị, mức độ tiện nghi sử dụng phục vụ mọi người và thái độ tích cực đối với người tàn tật, người già và trẻ em, thể hiện quyền con người. Các điểm VSCC đặc biệt có ý nghĩa tới việc nhận thức, thái độ quan tâm tích cực của xã hội. Vì vậy, nghiên cứu mạng lưới các công trình vệ sinh công cộng khu vực nội thành Hà Nội là cần thiết. Nguyên tắc chung của thiết kế mạng lưới  các công trình VSCC:

- Con người là hạt nhân

- Nhu cầu của người tàn tật, người già, trẻ em phải xem xét trong thiết kế

- Không phân biệt giới tỷ lệ phòng vệ sinh nữ/vệ sinh nam là 7/3; 4/6.

- Các biển chỉ dẫn phải rõ ràng và đầy đủ thông tin.

- Công trình vệ sinh phải tiết kiệm nước và tiết kiệm năng lượng.

- Công trình phải được thiết kế hài hoà với cảnh quan xung quanh.

- Các tiêu chuẩn sẽ được nâng cao từng bước để đạt được tiêu chuẩn quốc tế.

- Các điều kiện và tiêu chuẩn về vệ sinh.

Tại hội thảo, một nhận định được nhiều đại biểu tham gia hội thảo tán thành là hệ thống VSCC của nội thành Hà Nội là một điểm yếu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật Hà Nội. Hệ thống các nhà VSCC không đầy đủ, một số nhà VSCC bố trí ở những nơi không phù hợp. Đa số các nhà vệ sinh không hợp vệ sinh, gây ấn tượng không tốt đối với người sử dụng. Công tác quản lý của các cấp chưa tốt. Yêu cầu về kỹ thuật như cấp nước để cọ rửa còn thiếu, thoát nước thì không đồng bộ.

Hội thảo đã thực sự là diễn đàn để các cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý và các nhà khoa học trao đổi để tìm ra mô hình thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống VSCC hiệu quả nhất,  góp phần phát triển đô thị bền vững như trong "Định hướng phát triển quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2020" đã đề ra.



Minh Tâm

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)