Bộ Xây dựng: Lập kỷ lục cổ phần hoá

Thứ sáu, 10/02/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2005, Bộ Xây dựng đã hoàn thành vượt mức việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước DNNN theo các hướng cổ phần hoá, chuyển mô hình hoạt động sang công ty mẹ-con… so với chỉ tiêu 40 đơn vị mà Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 102/2005/QĐ-TTg.
Theo báo cáo của Ban Đổi mới doanh nghiệp, Bộ Xây dựng, năm qua Bộ này đã hoàn thành việc xác định giá trị DN cho tất cả 99 đơn vị, bao gồm 75 DN và 24 bộ phận DN, trong đó đã có quyết định phê duyệt phương án CPH cho 93 đơn vị, gồm 73 DN và 20 bộ phận DN. Đồng thời đã phê duyệt phương án sắp xếp lao động cho trên 82.000 người, trong đó có 13.995 lao động dôi dư được hưởng trợ cấp với tổng số tiền 494,706 tỷ đồng.

Ông Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, qua xác định giá trị DN của 99 đơn vị trong năm 2005, giá trị phần vốn nhà nước tại các DN này đã tăng thêm khoảng 1.420 tỷ đồng và điều quan trọng nhất là đã xử lý được nhiều vấn đề tồn tại về tài chính.

Trong danh mục CPH năm 2005 mà Bộ thực hiện, có cả các DN lớn đang được tiến hành tái cơ cấu, sắp xếp lại như: Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex được thực hiện theo Quyết định số 56/2005/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm CPH toàn tổng công ty và 5 công ty thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam là: Công ty Xi măng Bút Sơn, Bỉm Sơn và Hà Tiên 2, Công ty Vật tư vận tải xi măng và Công ty Kinh doanh thạch cao xi măng thực hiện theo Quyết định số 86/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về CPH một số đơn vị thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam.

Theo ông Dũng, có thể nói năm 2005 là năm mà việc sắp xếp, đổi mới các DN trực thuộc Bộ đạt mức kỷ lục từ trước tới nay, với mức vượt hơn 132% so với chỉ tiêu. Như vậy, tính từ năm 2001 đến nay đã có 236 DN và bộ phận DN trực thuộc Bộ Xây dựng chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Điều quan trọng là phần lớn các DN đã CPH đều hoạt động kinh doanh tốt, có doanh thu và lợi nhuận cao, giải quyết tốt việc làm và thu nhập cho người lao động.

Để có được kết quả này, ông Dũng nhấn mạnh, đó là do nhận thức của các DN, từ cán bộ lãnh đạo đến công nhân lao động về mục đích, ý nghĩa của công tác sắp xếp, đổi mới DN mà cốt lõi là CPH đã được nâng cao.

Một trong những việc đã làm được của Bộ Xây dựng phải kể đến trong năm qua là đã nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số đề án thí điểm thực hiện mô hình tổ chức mới như Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức của các DNNN hoạt động trong lĩnh vực cấp nước đô thị; Đề án hình thành Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam; Đề án sắp xếp, đổi mới các DN tư vấn xây dựng trực thuộc Bộ; Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Xi măng Việt Nam; Đề án thí điểm Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Tổng giám đốc tại 2 tổng công ty 90 thuộc Bộ là Tổng công ty Xây dựng sông Hồng và Tổng công ty Thuỷ tinh và gốm xây dựng; Đề án thí điểm CPH toàn tổng công ty tại Vinaconex. Hiện tại, các đề án này đang được tích cực triển khai thực hiện.

Về việc thành lập tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ- con trong một số lĩnh vực tư vấn, cấp nước đô thị…, ông Dũng cho rằng, điều đó không nằm ngoài mục đích tổ chức, sắp xếp lại một bước các DNNN hiện có đang hoạt động riêng rẽ, phân tán trong lĩnh vực thi công xây lắp, tư vấn thiết kế và vật tư ngành nước.
Thông qua đó, thực hiện tích tụ, tập trung các nguồn lực, hình thành một tổ hợp DN mạnh, có quy mô tương đối lớn, đa sở hữu, kinh doanh đa ngành trong đó, ngành nghề kinh doanh chính có trình độ chuyên môn hoá cao là thi công xây lắp, tư vấn thiết kế, sản xuất kinh doanh vật tư thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước; có đủ năng lực đầu tư, kinh doanh, xây dựng đồng bộ các hệ thống cấp thoát nước quy mô lớn, các dự án có tính chất vùng, liên vùng, liên tỉnh; có đủ năng lực tổng thầu các dự án phát triển cấp thoát nước và môi trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh những mặt tích cực của tiến trình sắp xếp, đổi mới DNNN, ông Dũng thừa nhận, vẫn còn một số đơn vị cá biệt hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, chưa khắc phục được và vẫn còn một bộ phận cán bộ năng lực hạn chế chưa ngang tầm với quy mô và điều kiện hoạt động của DN.

Nguồn tin: Đầu tư Chứng khoán, ngày 08/02/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)