Xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả - Bài 3: Tạo đột phá với phân cấp, ủy quyền

Thứ sáu, 02/12/2022 16:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Dấu ấn trong công tác cải cách hành chính của Hà Nội trong năm 2022 phải kể đến những chuyển biến trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ và việc đẩy mạnh phân cấp ủy, quyền trên nhiều lĩnh vực.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết nhanh các TTHC - Ảnh: VGP/Thùy Linh

Đi đầu trong xây dựng Chính phủ số

Là địa phương được tin tưởng lựa chọn thực hiện điểm, làm mẫu Đề án 06, nhân rộng trong toàn quốc, Hà Nội luôn đặt ra mục tiêu là "mỗi người dân, doanh nghiệp phải cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích của Đề án 06 - lấy thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp".

Ngay sau Hội nghị triển khai Đề án 06 của Chính phủ ngày 18/1/2022, UBND TP. Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện đề án một cách quyết liệt.

Đến nay, những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đã được UBND TP. Hà Nội triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, được người dân ủng hộ và tin tưởng. 

Cụ thể, TP. Hà Nội đã triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%); hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công Thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến trên các lĩnh vực; thu nhận được hơn 6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử; thực hiện làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19; xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong CSDLQG về dân cư; rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin đối với 2.825 người thôi quốc tịch, không quốc tịch, chưa rà soát được quốc tịch… trên địa bàn vào hệ thống CSDLQG về dân cư; cập nhật 13.598.999 dữ liệu thông tin tiêm chủng;…

Toàn Thành phố đã có gần 5 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân (CCCD) để đi khám chữa bệnh; có 503 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh… Có 3 Ngân hàng lớn trên địa bàn Thành phố đã thí điểm thành công việc sử dụng CCCD để rút tiền thay thế thẻ ATM...

Đặc biệt, Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai thí điểm nhiều nội dung, phần việc của Đề án 06 trên địa bàn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao như việc triển khai mô hình điểm về tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tại 3 phường của quận Cầu Giấy và tại quận Hoàn Kiếm.

Có thể khẳng định, TP. Hà Nội đang triển khai tốt và không chỉ bảo đảm tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống" dữ liệu của gần chục triệu dân cư của Hà Nội mà còn kết nối các dịch vụ công khác như bảo hiểm xã hội, y tế, khám chữa bệnh, giáo dục, đồng thời làm sạch dữ liệu liên quan đến lý lịch tư pháp đối với công dân có yếu tố nước ngoài. Đây là những cơ sở quan trọng để Hà Nội bước thêm một bước tiến mới trong tiến trình cải cách hành chính.

Tăng cường phân cấp để tháo gỡ vướng mắc

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, Hà Nội đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng: "Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì phân cấp ủy quyền cho cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian giải quyết TTHC" nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho Thành phố.

Đây không phải là việc mới nhưng cần phải đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, TP. Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. 

Từ năm 2006 đến nay, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành 2 nghị quyết và UBND TP. Hà Nội ban hành 8 quyết định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội. Thành phố đã thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND Thành phố và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND năm 2021 của UBND Thành phố. Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của cơ sở.

Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP. Hà Nội ban hành mới đây đã bóc tách các nhiệm vụ, thủ tục hành chính để phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cho cấp huyện. Trong đó, phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp Thành phố. Đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước, ít nhất cũng có khoảng 210 nhiệm vụ chính trong 15 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền.

Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng bổ sung phân cấp đối với 9 nhiệm vụ. Nhiều lĩnh vực đã có sự phân cấp mạnh hơn trong quản lý như việc đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với chiếu sáng, thoát nước; đầu tư chợ, trường học...

Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố được nhân dân, doanh nghiệp đón nhận một cách phấn khởi. Dù chỉ là bước đầu nhưng sự kỳ vọng vào Đề án là rất khả quan, đặc biệt với các doanh nghiệp, bởi việc phân cấp giúp tạo chủ động, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính và giảm thời gian phải trình các cấp. 

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà cho biết, doanh nghiệp phải thường xuyên làm các thủ tục liên quan đầu tư, do đó phân cấp sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều, đồng thời góp phần giảm lãng phí cho xã hội.

"Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hà Nội nhưng còn khó khăn về thủ tục, do vậy cần xem xét kỹ hơn ở việc phân cấp để tận dụng nguồn lực đầu tư", ông Sơn nêu ý kiến.

Ở góc độ địa phương, Bí thư Thị uỷ Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho rằng, triển khai Đề án sẽ chủ động cho địa phương trong quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Với thị xã Sơn Tây, việc phân cấp ủy quyền kỳ vọng sẽ giúp quản lý tốt hơn nhiều nội dung như quản lý chợ Nghệ nằm trong vùng lõi phố đi bộ sẽ hiệu quả hơn; việc quản lý trường THPT sẽ thuận tiện cho việc cải tạo sửa chữa đáp ứng yêu cầu giáo dục; về giao thông sẽ quản lý tốt hơn các tuyến đường, vệ sinh môi trường.

Phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế -xã hội là nội dung rất hệ trọng và bức thiết trong bối cảnh của Thành phố hiện nay, có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói riêng tại các cấp chính quyền của Thành phố, đặc biệt là tại cấp sở, ngành và quận, huyện, thị xã.

Đây đồng thời là nhiệm vụ khó, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; tính khả thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực tài chính... nên những nội dung phân cấp, ủy quyền theo Đề án mới là kết quả bước đầu. Công tác rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền sẽ là công việc thường xuyên và liên tục của Thành phố.

Lãnh đạo Thành phố khẳng định, việc phân cấp, ủy quyền sẽ gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục; giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)