Sáng ngày 18/10/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Huỳnh Quốc Việt; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Lâm Văn Bi chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đánh giá kết quả đã thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và rà soát lại các chỉ tiêu, tiêu chí theo kế hoạch cần hoàn thành trong thời gian sắp tới.
Đại biểu tham dự cuộc họp.
Tới thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành 28/40 nhiệm vụ, đạt 70% theo kế hoạch đề ra; 45 tiêu chí, tiêu chí thành phần do thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách theo lĩnh vực đạt, vượt so với quy định điểm tối đa. Đồng thời, có 04 nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 được thực hiện đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sự chung tay của các cấp, các ngành, công tác cải cách hành chính tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bậc ở các nội dung về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; toàn tỉnh cung cấp 92 dịch vụ công trực truyến mức độ 3; 254 dịch vụ công trực truyến mức độ 4; tất cả dịch vụ công đã tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tỉnh đã thống nhất chọn 14 đơn vị cấp xã thí điểm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, với 93 Tổ, 491 thành viên tham gia. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 50,53%. Trong đó, c cấp tỉnh đạt 43,02%; cấp huyện đạt 59,24%; cấp xã đạt 56,88% (so với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của cấp huyện, cấp xã chỉ có 0%). Tỷ lệ thanh toán trực tuyến của tỉnh đạt 4,84% (theo thống kê, báo cáo của Văn phòng Chính phủ).
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung bàn bạc, thảo luận những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt. Qua đó cũng phân tích, đánh giá và đề ra giải pháp, đề xuất, kiến nghị để thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính từ đây đến cuối năm đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị từ nay đến cuối năm từng sở, ngành cần đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính một cách thực chất, cụ thể, cần quan tâm đến từng chỉ số thành phần cả về chất lượng và số lượng. Sở Nội vụ cần tìm giải pháp trong tháo gỡ vướng mắc đề án vị trí việc tại các cơ quan, đơn vị; cần thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế; giải quyết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sở Thông tin và Truyền thông cần đánh giá lại hạ tầng công nghệ thông tin; có hướng nâng cấp khi cần thiết để hình thành cơ sở dữ diệu phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số; nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai, cơ sở dữ liệu về quy hoạch một số đô thị...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ, tiêu chí cải cách hành chính rà soát, đánh giá kỹ lại các chỉ tiêu; có khen thưởng khích lệ đối với những đơn vị làm tốt, đối với những điểm chưa đạt cần có giải pháp tháo gỡ, đôn đốc nhắc nhở và hướng xử lý trong thời gian tới. Đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các thủ tục hành chính mức cấp độ 3,4; thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt gắn với việc thực hiện Đề án 06.
Sở Nội vụ cần xem lại cách sắp xếp các phòng, ban, vị trí việc làm phù hợp với nhiệm vụ, năng lực của từng cơ quan, đơn vị. Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ tài chính của các đơn vị sự nghiệp. Các sở, ngành cần tập trung hơn nữa vào công cuộc chuyển đổi số; cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc trong từng cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn đến người dân. Tăng cường quy chế phối hợp một cách chặt chẽ trong giải quyết các thủ tục nhanh chóng, chủ động giữa các đơn vị.
Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo.