Đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thứ năm, 15/09/2022 15:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhiều địa phương bước đầu đã thực hiện nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng.

Để hiện thực hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quan trọng quốc gia về cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh

Theo Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 12 luật, 47 nghị định, 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 72 thông tư và 3 văn bản khác. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,...

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9, bộ, cơ quan là Bộ: Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các bộ, cơ quan này sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 188 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, để thể chế hóa 7 nội dung cải cách trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đã được phê duyệt.

Trong đó có việc cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, tự động xử lý, phân tích, kết nối, chia sẻ thông tin, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, trên cơ sở quản lý rủi ro, tính tuân thủ của doanh nghiệp…

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhiều địa phương bước đầu đã thực hiện nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn tương đối thấp, mới có khoảng 5,92% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 17,5% hồ sơ được số hóa nhưng chủ yếu mới chỉ dừng ở mức chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại giai đoạn tiếp nhận hồ sơ, mà chưa thực hiện đầy đủ quy trình số hóa tại giai đoạn xử lý, trả kết quả theo đúng quy định.

Văn phòng Chính phủ cho biết Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành từ tháng 12/2019, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Đã có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 720 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ (tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2.780 tỷ đồng (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã tiếp nhận, xử lý hơn 189.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 46.000 phản ánh, kiến nghị.

Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bình Phước, Bình Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Long An, Khánh Hòa, Kon Tum, Hải Dương, An Giang, Thái Nguyên…

Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành

Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua tiếp tục được vận hành, phát triển góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương đã được triển khai theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, bảo đảm công khai, minh bạch.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản.

Tính đến nay đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương, 98% đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.

Giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử được triển khai quyết liệt tại Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và nhiều địa phương như An Giang, Bắc Giang, Bình Định, Bình Thuận, Hưng Yên, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang...

Qua đó, giúp tiết giảm chi phí và thời gian xử lý, nâng cao năng suất lao động, tăng cường công khai, minh bạch, cá thể trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong giải quyết công việc. 90% cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử.

45% các bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng xây dựng và đưa vào vận hành Phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ.

Hiện hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đã chú trọng việc chuẩn hóa báo cáo theo yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ để phục vụ triển khai báo cáo điện tử. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời tích hợp, cung cấp một số thông tin, dữ liệu quan trọng từ các hệ thống này với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm; 69/179 chế độ báo cáo của các bộ, cơ quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua gần 2 năm triển khai hoạt động liên tục thông suốt, với 28.000 cán bộ, công chức trên toàn quốc tham gia vận hành, sử dụng hàng ngày, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, cung cấp các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, báo cáo hàng ngày trên Hệ thống.

Hệ thống đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; đang xây dựng 04 bộ chỉ số (bộ chỉ số điều hành, bộ chỉ số thống kê, bộ chỉ số theo dõi, giám sát, bộ chỉ số kinh tế-xã hội địa phương) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (với tần suất dữ liệu theo ngày, hàng tháng, quý và năm, giai đoạn 2010-2022).

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ trong 8 tháng năm 2022 đã phục vụ 15 hội nghị, phiên họp Chính phủ và xử lý 282 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 103.000 hồ sơ, tài liệu giấy), lũy kế đến nay, đã phục vụ 59 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.290 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 465.000 hồ sơ, tài liệu giấy).

Đồng thời, Hệ thống theo dõi, đánh giá nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đang được khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, giúp tăng cường công khai, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ được giao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)