Dấu hiệu tích cực trong triển khai mô hình chính quyền đô thị

Thứ tư, 18/08/2021 13:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Mô hình chính quyền đô thị (CQÐT) được triển khai chính thức tại TP Hồ Chí Minh, triển khai thí điểm tại TP Hà Nội và Ðà Nẵng hơn một tháng qua đã phát huy tính chủ động, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường. Công tác quản lý, điều hành của UBND các quận, phường ổn định, thông suốt, hiệu quả; giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân.

Cán bộ UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: MINH HÀ

Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Từ ngày 1/7, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng triển khai mô hình CQÐT với điểm nổi bật nhất là giảm bớt HÐND cấp cơ sở, nhằm hướng đến bộ máy quản lý hành chính nhà nước tinh gọn, tự chủ, năng động. Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, triển khai chính thức mô hình CQÐT, thành phố không tổ chức HÐND tại 16 quận và 249 phường. Ðến giữa tháng 7, thành phố đã bố trí công tác khác, tinh giản biên chế, giải quyết chính sách cho 50 cán bộ HÐND chuyên trách cấp quận và 240 cán bộ HÐND cấp phường. Bộ máy hành chính cấp quận, cấp phường được tinh gọn, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước. Theo tính toán, trong nhiệm kỳ 2021-2026, do không tổ chức HÐND quận, phường, TP Hồ Chí Minh tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HÐND quận và phường.

Ðồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HÐND thành phố Ðà Nẵng cho biết, đến nay các cán bộ chuyên trách HÐND ở các quận, phường đều đã được bố trí công tác mới phù hợp năng lực quản lý và trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc giải quyết chính sách tinh giản biên chế. Cụ thể, thành phố đã bố trí, sắp xếp, giải quyết cho 18 trường hợp cán bộ HÐND cấp quận (còn một trường hợp đang chờ phương án bố trí, sắp xếp hợp lý); 45 trường hợp là cán bộ cấp phường. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thành việc thẩm định 615 trường hợp chuyển cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế quận.

Những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và đội ngũ công chức UBND cấp phường, cấp quận đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ðồng chí Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu (Ðà Nẵng) đánh giá, hơn một tháng thực hiện thí điểm CQÐT, công tác quản lý điều hành của UBND quận và 13 phường trực thuộc vẫn ổn định, thông suốt, hiệu quả, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Ðồng chí Cấn Văn Duẩn, Chủ tịch UBND phường Ðức Thắng, quận Bắc Từ Liêm thông tin, mô hình tổ chức mới của phường đã vận hành khá trơn tru, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của phường. 23 cán bộ, công chức của phường cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đều được huy động cho các hoạt động phòng, chống dịch, cố gắng không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau, mà không được quan tâm.

Chính quyền đô thị giúp Ðà Nẵng ứng phó nhanh hơn với các tình huống bất ngờ, như phòng chống dịch bệnh hiện nay. Ảnh: THANH TÙNG

Ðáng chú ý, việc cải cách các thủ tục hành chính, nhất là việc chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, được người dân ghi nhận. Chị Phạm Minh Huyền ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Tôi thấy quy định chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao là rất thiết thực, giúp tiết kiệm cả thời gian và công sức cho công dân khi đến giao dịch". Ðến nay, 100% số thủ tục hành chính của UBND quận Hải Châu (Ðà Nẵng) và 13 phường của quận đã thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Theo ông Trương Sỹ Linh, Chủ tịch HÐQT Công ty Phúc Hoàng Ngọc, khi các ý kiến, kiến nghị của dân có thể gửi trực tiếp đến chủ tịch phường, quận và được phản hồi, xử lý, trả lời rất kịp thời, hiệu quả, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Về lâu dài, tôi hy vọng CQÐT gần dân hơn hoạt động hiệu quả hơn khi giảm được các tầng nấc trung gian.

Bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân

Mặc dù không tổ chức HÐND cấp phường (như tại Hà Nội) hoặc không tổ chức HÐND cấp phường và cấp quận (như tại TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng), nhưng quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm bằng nhiều hình thức. Tại phường Tân Phú (quận 7, TP Hồ Chí Minh) để bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND phường, các kết luận, quyết định của phường đều được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của phường để người dân được biết. Chủ tịch UBND phường cũng sắp xếp lịch để đối thoại với cộng đồng dân cư và tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HÐND, UBND cấp quận. Tuy nhiên, hiện nay việc này chưa thực hiện được vì thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Tại phường 13 (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), thông qua các cuộc họp tại tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm chuyển các thông tin được phản ánh lên phường. Trong vòng 10 ngày, lãnh đạo phường sẽ phản hồi cho dân biết, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì được phường giải quyết ngay, vấn đề nào vượt thẩm quyền phải trình cấp trên, phường cũng sẽ thông tin cho dân được biết.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng hoạt động của HÐND 12 quận và thị xã Sơn Tây khi thực hiện thí điểm mô hình CQÐT, Thường trực, các ban HÐND thành phố sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của HÐND. Ðặc biệt chú trọng tới hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, để giúp đại biểu các đơn vị thực hiện thí điểm mô hình CQÐT thêm kiến thức, kỹ năng, áp dụng vào hoạt động thực tiễn ở địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thành phố sẽ thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để việc triển khai thí điểm đạt hiệu quả cao nhất, góp phần đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội củađất nước.

Tại Ðà Nẵng khi tổ chức mô hình CQÐT, không có HÐND quận, HÐND phường, thì HÐND thành phố sẽ điều chỉnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo quy định, nhất là việc giám sát đối với hoạt động của UBND cấp quận, cấp phường. Phạm vi giám sát có phần được mở rộng hơn, sâu sát địa phương hơn so với trước đây.

Sau hơn một tháng triển khai mô hình CQÐT tại ba thành phố lớn, nhìn chung, công tác quản lý, điều hành của UBND quận, UBND phường bảo đảm ổn định, thông suốt; giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân.

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn mô hình CQÐT, ngoài việc xây dựng hoàn thiện các thể chế, chính sách, kiến nghị Chính phủ bổ sung biên chế, cần tiếp tục phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở cấp quận, cấp phường (ở TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng) và ở cấp phường (ở Hà Nội) phù hợp tổ chức chính quyền đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương, nhằm tạo ra cơ chế để các địa phương tự chủ hơn trong huy động nguồn lực, đầu tư phát triển và quản trị công.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)