Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Ywert Visser, thành quả thu hút FDI vói 8,5 tỷ USD vốn đầu tư là một thành quả ấn tượng. Đây là kết quả phản ánh công tác cải cách hành chính tích cực đã đóng vai trò làm nam châm “hút” các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt việc gia tăng các thủ tục quy trình trực tuyến như đăng ký kinh doanh và kê khai thuế đã giúp giảm gánh nặng hành chính cho các công ty.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Ywert Visser. Ảnh: Minh Anh
Theo ông Ywert Visser, Hà Nội được công nhận là điểm đến an toàn và ổn định cho các hoạt động đầu tư du lịch và thương mại. Điều này đã khẳng định thông qua các biện pháp kịp thời và hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam cùng với UBND TP. Hà Nội đã thực hiện nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Điều này đã giúp bảo vệ sức khỏe của mọi người dân sống tại Hà Nội và Việt Nam cũng như bảo đảm sinh kế cho các công ty nước ngoài. Qua đó cho thấy Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đang tìm kiếm một thị trường năng động và an toàn.
Có thể thấy rõ rằng Hà Nội đang dẫn đầu toàn quốc về đầu tư nước ngoài. Năm 2019, Hà Nội đã thu hút khoảng 8,5 tỷ USD vốn đầu tư, đây là mức tăng trưởng cao gấp đôi so với một thập kỷ trước. Thành quả này đạt được không phải do Hà Nội là thủ đô của đất nước mà đây là kết quả phản ánh những cải cách hành chính tích cực đã đóng vai trò làm nam châm “hút” các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt việc gia tăng các thủ tục quy trình trực tuyến như đăng ký kinh doanh và kê khai thuế đã giúp giảm gánh nặng hành chính cho các công ty. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Hà Nội và vị trí địa lý thuận lợi trong việc kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất đã giúp thành phố Hà Nội trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty muốn đầu tư vào Việt Nam.
Điều này càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh triển khai hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA sắp tới. Có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, Hiệp định này bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99 % các dòng thuế và rào cản thương mại, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư và đổi mới cho các lĩnh vực, ngành công nghiệp đa dạng của châu Âu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho biết, kể từ khi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định hồi đầu năm nay, EuroCham đã chứng kiến sự chú ý ngày càng gia tăng của các công ty châu Âu dành cho Việt Nam, mặc dù có công ty không thể đến đây được khảo sát vào thời điểm này do dịch COVID-19, các nhà đầu tư vẫn đang thực hiện nhiều nghiên cứu tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Do đó, EuroCham ủng hộ việc thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển các tài nguyên trực tuyến dành cho các nhà đầu tư đến từ khu vực Liên minh Châu Âu. Đây sẽ là nguồn thông tin tuyệt vời giúp các nhà đầu tư tìm hiểu về Hà Nội và đưa ra quyết định đầu tư.
Theo nhận định của ông Ywert Visser, Hà Nội là một trong những điểm đến kinh doanh hấp dẫn nhất của Việt Nam và sẽ là một trong những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định. “Một khi EVFTA có hiệu lực, tôi tin tưởng rằng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thuộc khu vực liên minh châu Âu vào thành phố sẽ tiếp tục gia tăng.
Đại diện lãnh đạo EuroCham bày tỏ trân trọng mối quan hệ hợp tác với UBND TP. Hà Nội và chia sẻ những ý kiến để thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì thành tích ấn tượng với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hậu COVID19 cũng như trong tương lai.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Ywert Visser bày tỏ ấn tượng về nỗ lực cải cách hành chính của Hà Nội và tin tưởng sẽ tiếp tục có nhiều nhà đầu tư chọn Hà Nội là điểm đến tuy nhiên Hà Nội lưu ý việc cải thiện chất lượng không khí, môi trường để không bỏ lỡ cơ hội và tiềm năng phát triển của mình.