Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác thăm nơi tiếp nhận và
giao trả hồ sơ theo quy trình một cửa của Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, công tác cải cách thủ tục hành chính của Khánh Hòa có nhiều chuyển biến tích cực. Thể hiện qua việc thường xuyên rà soát, công bố và cập nhật thủ tục hành chính theo quy định. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được tăng cường, giúp đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và nâng cao tỉ lệ hồ sơ đúng hạn.
Khánh Hòa đã công bố 191 quy trình thủ tục cho phép nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; 260 quy trình cho phép thực hiện thanh toán trực tuyến. Triển khai hệ thống gửi tin nhắn tự động đến khách hàng để cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ, giúp giảm phiền hà, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh đã thực hiện kết nối thành công với Hệ thống VNPost của bưu điện, qua đó cho phép nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích đối với khoảng 94,4% số dịch vụ công được cung cấp. Tỉnh cũng đã thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước làm cơ sở nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh thời gian qua. Trong đó, đặc biệt là việc tỉnh đã giảm 19 đầu mối các sở, 45 đơn vị và đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; sắp xếp, hợp nhất các tổ chức làm công tác tham mưu, tổng hợp của các ban Đảng về một đầu mối Văn phòng Tỉnh ủy.
Tinh giảm được 253 công chức, giảm 3.095 viên chức; ban hành 31 quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công; duy trì gần 160 trang thông tin điện tử cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công; hoàn thành triển khai kết nối, tích hợp với Trục liên thông văn bản quốc gia, thực hiện đồng bộ việc gửi/nhận văn bản điện tử giữa Trung ương và địa phương; 198 cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã triển khai Phần mềm quản lý văn bản và điều hành với cùng một phiên bản thống nhất, được tích hợp chữ ký số và chứng thư số; năm 2019, tỉ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị đạt 100%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, kết quả cải cách hành chính chưa thật đồng đều giữa các cơ quan, các lĩnh vực và giữa các cấp hành chính; chất lượng phục vụ được nâng cao nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu, mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là nhu cầu, kỳ vọng của người dân.
Đáng chú ý, số lượng thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cho phép thanh toán trực tuyến còn thấp so với tổng số 1.746 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp hành chính trên địa bàn. Một số nội dung tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt kết quả còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ, đến quý 1/2020 mới chỉ đồng bộ 54.718/114.134 hồ sơ toàn tỉnh (đạt 47,9%).
Việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân còn trễ hẹn; công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chưa đầy đủ. Chưa thực hiện việc đánh giá, phân loại cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ...
Nhân chuyến công tác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng Quỹ khuyến học tỉnh Khánh Hòa
200 triệu đồng. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tới đây, Khánh Hòa cần gắn cải cách hành chính với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Trong lãnh đạo, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, phải làm cho cán bộ, công chức, viên chức thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ là “công bộc của dân”, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, liêm, chính, kiệm, cần.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”; kịp thời đánh giá, nhân rộng các sáng kiến cải cách; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian cho người dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi tình hình dịch COVID-19 chưa được khống chế hoàn toàn, cần tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia.
Phó Thủ tướng cho rằng, Khánh Hòa là một trong số không nhiều địa phương có lợi thế nhiều mặt, đặc biệt là những ngành gắn với biển như du lịch, cảng biển... Do vậy, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian vừa qua, tạo môi trường thực sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch để thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
Với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu, trả lời hoặc xử lý các kiến nghị của tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng thăm ông Nguyễn Ngọc Hòa, cán bộ tham gia kháng chiến và đồng thời là nạn nhân chất độc da cam.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Cũng trong chiều ngày 15/5, nhân chuyến công tác tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng Quỹ khuyến học của tỉnh 200 triệu đồng. Phó Thủ tướng đến thăm ông Lê Thành có 2 con là liệt sĩ và ông Nguyễn Ngọc Hòa, cán bộ tham gia kháng chiến và đồng thời là nạn nhân chất độc da cam tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.