Vĩnh Phúc: Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Thứ bẩy, 04/05/2019 12:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kết quả đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 (gọi tắt là PAPI) mới được công bố tháng 4/2019, Vĩnh Phúc xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 22 bậc so với năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn 2/8 chỉ số nội dung xếp vào nhóm có điểm số thấp nhất. Kết quả khảo sát cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương đã được người dân ghi nhận; đồng thời qua đó, giúp các cấp chính quyền nhận thấy những tồn tại, hạn chế để có giải pháp từng bước nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công và trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Người dân làm thủ tục cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh Trường Khanh

Chỉ số PAPI được Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức khảo sát, lấy ý kiến ngẫu nhiên của người dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử; 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công. Tổng số điểm tối đa để đánh giá chỉ số PAPI là 80 điểm và kết quả được xếp theo 4 nhóm gồm: Nhóm điểm cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và nhóm điểm thấp nhất.

Để cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành, địa phương. Thực hiện kế hoạch của tỉnh, các cấp, ngành chức năng đã vào cuộc tích cực, thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần xây dựng chính quyền các cấp hoạt động hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện chỉ số PAPI.

Đồng chí Lê Minh Tiến, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cùng cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nhất là công khai, minh bạch, lấy ý kiến góp ý của nhân dân về các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận, trao đổi và giải đáp kịp thời, có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động, đời sống của người dân.

Tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có phương thức chia sẻ thông tin phù hợp với đặc điểm của từng nhóm dân cư. Chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn để nâng cao kỹ năng, chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện thuận lợi để Ban Thanh tra nhân dân giám sát việc huy động nguồn lực từ cộng đồng và các tổ chức xã hội, góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân…

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên và người dân, năm 2018, Vĩnh Phúc đạt 45,07 điểm, thuộc nhóm các địa phương có số điểm cao nhất, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc so với năm 2017. Trong 8 nội dung được đánh giá, có 2 nội dung được xếp vào nhóm có điểm số cao nhất đó là chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; 3 nội dung được xếp vào nhóm có điểm số trung bình cao là chỉ số nội dung: Quản trị điện tử, trách nhiệm giải trình với người dân và thủ tục hành chính công; 1 nội dung xếp vào nhóm có điểm số trung bình thấp đó là chỉ số nội dung công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; 2 chỉ số nội dung xếp vào nhóm có điểm số thấp nhất là chỉ số hiệu quả cung ứng dịch vụ công và hiệu quả quản trị môi trường.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tỉnh đã phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường ở khu dân cư”, huy động cộng đồng cùng tham gia xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước thải với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", tỉnh hỗ trợ từ 60-70% kinh phí và phần còn lại do nhân dân đóng góp. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Việc đầu tư xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước thải sẽ giúp giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang là bài toán khó đối với các địa phương; qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, huy động nhân dân chung tay cải thiện môi trường sống của chính mình.

Chỉ số hiệu quả cung ứng dịch vụ công đo lường mức độ hiệu quả cung ứng 4 dịch vụ công căn bản cho người dân về y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập, cơ sở hạ tầng căn bản và an ninh trật tự tại khu dân cư. Kết quả khảo sát PAPI năm 2018, chỉ số nội dung này chỉ đạt 6,92 điểm/thang điểm 10 và được xếp vào nhóm các tỉnh có điểm số thấp nhất. Chính vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần có giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công, để người dân thực sự thấy thuận tiện và hài lòng khi sử dụng các dịch vụ này.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)