Cải cách hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh: Lấy yếu tố con người làm trọng tâm để đồng bộ và tăng tốc

Thứ sáu, 26/04/2019 11:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để các chủ trương, chính sách đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định việc cải cách hành chính là một đòi hỏi khách quan, tạo tiền đề và thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện nay, Thành phố đang tích cực xây dựng đô thị thông minh. Vì vậy, nếu thủ tục hành chính không được cải cách tốt hoặc cải cách chậm thì sẽ đánh mất đi lợi thế, cơ hội, trở thành rào cản rất lớn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị năng động nhất nước này.

Người dân đánh giá sự hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính ở Ủy ban nhân dân Quận 12 - Nguồn: tuyengiao.vn

Những dấu ấn đáng ghi nhận

Chia sẻ về công tác cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố cho biết: Trong năm 2018, các cơ quan, đơn vị của Thành phố đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi. Hằng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư; xây dựng - quy hoạch; đất đai,… nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Điểm đáng ghi nhận đó là, Thành phố xây dựng và triển khai chính quyền điện tử và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, cụ thể là đã thực hiện 778 điểm kết nối vào hệ thống mạng băng thông rộng phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp. Song song đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của Thành phố đã tăng cường giám sát sự đánh giá kết quả hài lòng của người dân tại các sở, ngành, quận, huyện, đồng thời vận động, hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 ở lĩnh vực tư pháp trên địa bàn của 322 phường, xã, thị trấn. Từ những việc làm đó, theo báo cáo của các sở, ngành và các địa phương thì kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn bình quân đạt trên 99%.

Từ sự nỗ lực cải cách hành chính của Thành phố trong năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, có giá trị thực tiễn cao, như: Mô hình giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa của Cục Hải quan Thành phố; cải tiến chất lượng bệnh viện từ hoạt động khảo sát “ý kiến không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố” của Sở Y tế; các giải pháp nâng cao hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn quận Bình Tân… Điều đáng ghi nhận nữa là, nhiều người dân đã bày tỏ sự tin tưởng và phấn khởi về sự quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân khi đến các cơ quan hành chính tại địa phương. Ông Nguyễn Nghiêm Quang, trú tại phường 4, quận Tân Bình phấn khởi: Người dân của phường 4, quận Tân Bình nói riêng và người dân của quận Tân Bình nói chung đã nhận thấy rất rõ sự cải thiện đáng kể về cải cách hành chính ở chính quyền địa phương, giúp cho bà con không phải đi lại nhiều lần, giảm phiền hà cho người dân cũng như giải quyết những vấn đề thỏa đáng cho người dân trong thời gian qua, nhất là trong năm 2018. Nhằm đo lường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại Quận 1, Ủy ban nhân dân quận 1 đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều biện pháp đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau, qua đó nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người dân và doanh nghiệp để có biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ, nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, áp dụng hình thức thực hiện thư xin lỗi đối với các trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn. 

Với quyết tâm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp phép xây dựng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân và doanh nghiệp, Sở Xây dựng Thành phố đã thí điểm áp dụng quy trình liên thông một cửa điện tử, giảm thời gian xử lý hồ sơ cấp phép xây dựng từ 142 ngày theo quy định còn 42 ngày, kể cả thời gian lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan. Về phương hướng năm 2019, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, các thông tin dữ liệu cơ bản về nhà ở, thị trường bất động sản sẽ do Sở Xây dựng chủ trì, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc ứng dụng phần mềm trên thiết bị di động để công khai tiến độ thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố. Là một đơn vị triển khai nhiều giải pháp trong cải cách hành chính, ông Võ Sĩ, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết: Trong hai năm qua, Văn phòng Ủy ban Thành phố đã áp dụng gửi thư mời điện tử, qua tin nhắn SMS. Việc làm này giúp thông tin về cuộc họp được chuyển tải nhanh đến những người liên quan và tiết kiệm được chi phí, cụ thể, năm 2017, tiết kiệm gần 7 tỷ đồng và năm 2018 hơn 8 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 19-02-2019, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thẳng thắn cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế như: Tốc độ cải cách nhìn chung còn chậm, kết quả đạt được chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới chưa toàn diện, chưa có nhiều đột phá. Không ít cơ quan, đơn vị chưa xác định được tầm quan trọng trong công tác cải cách hành chính, nên chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa xử lý triệt để các hạn chế, thiếu sót, vi phạm của công chức, viên chức; đặc biệt là các công chức, viên chức có thiếu sót, vi phạm và tham mưu, xử lý giải quyết hồ sơ bị trễ hạn. Hiện nay còn có một số quận, huyện kể cả Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố vẫn còn chậm công bố thời hạn giải quyết thủ tục hồ sơ.

Thực tế cho thấy, cho dù tỷ lệ hồ sơ trễ hạn được kéo giảm xuống còn dưới 1%, tuy nhiên, do số lượng hồ sơ của Thành phố tiếp nhận và giải quyết là rất lớn, nên hồ sơ trễ hạn vẫn còn cao, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp… là điều gây bức xúc cho người dân. Cụ thể, trong năm 2018, tổng số hồ sơ các sở, ngành¸ Ủy ban nhân dân các quận, huyện và phường, xã tiếp nhận là 14.224.953 hồ sơ, đã giải quyết là 14.089.026 hồ sơ, đang giải quyết là 67.646 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết, có 14.156.672 hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỷ lệ 99,52%) và 68.281 hồ sơ giải quyết trễ hạn (chiếm tỷ lệ 0,48%), với 68.281 hồ sơ giải quyết trễ hạn, có 61.276 hồ sơ đã được thực hiện thư xin lỗi (chiếm tỷ lệ 89,74%) và 7.005 hồ sơ chưa thực hiện thư xin lỗi (chiếm tỷ lệ 10,26%).

Đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ

Nhìn lại quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn, thông qua nhiều cuộc họp, hội nghị, nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ảnh về ý thức phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức còn yếu kém, cố tình đặt ra nhiều thủ tục nhiêu khê để “hành” dân, buộc dân phải làm những công việc đáng ra người công chức phải làm. Trong khi đó, không ít cơ quan quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, kiểm soát, chưa xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thoái hóa, kém phẩm chất để dân kêu ca, doanh nghiệp phàn nàn, gây bất bình ảnh hưởng đến uy tín và hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước.

Để khắc phục tình trạng trên, năm 2019, Thành phố xác định là năm đột phá về cải cách hành chính, vì thế, công tác cải cách hành chính phải làm triệt để, đồng bộ, tăng tốc. Cụ thể, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố quyết liệt đẩy mạnh với 100% sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai việc đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; 100% quận, huyện, phường, xã triển khai hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân trực tuyến thông qua điện thoại thông minh để xử lý những tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, xem xét việc thực hiện việc kết nối quận, huyện, phường, xã để giao ban trực tuyến; kết nối camera ở các điểm nhạy cảm của quận, huyện, phường, xã để giám sát; nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn Thành phố từ 21% lên 30% - 40%; mở rộng dịch vụ cho người dân qua mạng. 

Song song với những việc làm trên, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, Thành phố sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, lấy yếu tố con người làm trọng tâm. Với chủ đề của năm 2019 là “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính, trong đó lấy yếu tố con người làm trọng tâm để thực hiện đột phá trong cải cách, gắn với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, cơ chế phân cấp, ủy quyền và lấy thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm động lực thúc đẩy. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, Bí thư Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh cho rằng, “cải cách hành chính phải sâu sắc và phải đụng đến con tim của công chức, trái tim của người dân, nghĩa là cán bộ phải nhận thức được rằng, khi thấy người dân đến làm hồ sơ nếu phải xếp hàng lâu thì người cán bộ, công chức phải cảm thấy bức xúc, từ đó tìm cách giải quyết hồ sơ cho người dân một cách nhanh chóng như giải quyết hồ sơ thông qua hệ thống trực tuyến hoặc qua đường bưu điện; phải coi việc người dân còn vất vả khi đi làm hồ sơ thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính trị chưa hoàn thành”.

Thứ hai, xem công tác cải cách hành chính không chỉ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của chính quyền Thành phố, của các cấp mà còn phải là phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng ở các cấp chính quyền trong toàn Đảng bộ, chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Để bảo đảm được yêu cầu này, lãnh đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu tăng cường vai trò giám sát, phản biện, góp ý, hiến kế của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong toàn Thành phố cùng chung tay thực hiện. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong tìm các giải pháp, sáng kiến phục vụ người dân, doanh nghiệp; mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát chuyên đề, đặc biệt chú trọng kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính và quy tắc ứng xử, thực thi công vụ trên toàn Thành phố.

Thứ ba, Thành phố tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thông qua nhiều hệ thống, cơ chế để tiếp tục góp ý, hiến kế xây dựng chính quyền, đưa mô hình đô thị thông minh để kết nối tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội tương tác 24/24 giờ với chính quyền và lãnh đạo cơ quan công quyền… Qua đó, từng bước xây dựng chính quyền hiện đại, gần dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, Thành phố kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Song song đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố về việc xin lỗi và giải thích cho người dân, doanh nghiệp khi để hồ sơ trễ hẹn. Công khai, minh bạch quy trình phối hợp giữa sở, ngành, quận, huyện; nói không với thái độ vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện. Cùng với công tác khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính thì cần xử lý nghiêm (kiểm điểm, luân chuyển công tác) đối với cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần mà không có lý do chính đáng.

Thứ năm, Thành phố chủ trương lấy đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng cán bộ, công chức. Từ đó xem xét tăng thu nhập cho cán bộ, công chức một cách chính xác, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Quốc hội. Không thể để xẩy ra tình trạng cán bộ, công chức bị người dân đánh giá không hài lòng hoặc hài lòng không cao mà được chi thu nhập tăng thêm. Cũng không để tỷ lệ hài lòng của đơn vị ngày càng thấp hơn mà được đánh giá cao để tăng thu nhập./.


Theo Tapchicongsan.org.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)