Tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính

Thứ tư, 17/04/2019 14:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được cấp ủy, chính quyền tỉnh Phú Thọ xác định là khâu đột phá, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đưa Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ họp triển khai công tác giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính tại thị xã Phú Thọ

Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp quy kịp thời và đồng bộ

Thời gian qua, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 15-4-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, “Về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020” nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của cải cách hành chính đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 19-7-2016, về “Thực hiện 4 khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch và cải cách hành chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành Đề án thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020... 

Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nói trên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh được tổ chức tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều phương pháp, hình thức phong phú, đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cụ thể như sau: 

Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh được chú trọng, nâng cao hiệu quả, bảo đảm hợp pháp và đồng bộ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền địa phương trên các lĩnh vực, như quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng; thu hút đầu tư; đất đai, tài nguyên và môi trường; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công. Đơn giản hóa các thủ tục nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và sự bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng “An toàn, minh bạch, thông thoáng”. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh từng bước được nâng lên qua các năm, từ xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2015) lên xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2017), đứng vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI khá và xếp thứ 3/14 tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong các nội dung cải cách hành chính, công tác cải cách thủ tục hành chính là một nội dung trọng tâm được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh chú trọng triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong cải cách thủ tục hành chính. Việc duy trì tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm đưa 100% số thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị vào giải quyết theo cơ chế “một cửa”. Bên cạnh đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 5 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại ủy ban nhân dân cấp huyện được đầu tư xây dựng được coi là một bước đột phá, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Năm 2017, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh đạt 86,65%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh có chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên. Việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm; trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ năm 2016 đến năm 2018, có 1.612 lượt công chức, viên chức được bồi dưỡng, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, bước đầu khắc phục được tình trạng nể nang, hình thức trong đánh giá công chức, viên chức. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ và uy tín của chính quyền địa phương. Hoạt động đối thoại với tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính được tổ chức định kỳ 6 tháng và đối thoại hằng tháng với doanh nghiệp giúp kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được sắp xếp lại theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Để hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều đề án, kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước đều bám sát các nội dung, thực hiện tốt các nhiệm vụ và đạt được mục tiêu đề ra. Đến nay, 100% số cơ quan hành chính cấp tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2008; trên 97,5% số cán bộ, công chức ở cấp huyện, cấp tỉnh được trang bị máy tính; 100% số cán bộ, công chức của tỉnh được cấp hộp thư điện tử công vụ; 100% số sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện đều có hệ thống mạng nội bộ và được cấp chữ ký số; hoạt động của hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính ở tỉnh Phú Thọ còn bộc lộ một số hạn chế như: nhận thức của một số cán bộ, công chức về cải cách hành chính chưa thật đầy đủ, vẫn còn hiện tượng gây phiền hà, sách nhiễu đối với tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức, triển khai cải cách hành chính có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chặt chẽ, đặc biệt là trong giải quyết các thủ tục hành chính liên thông; tỷ lệ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính còn thấp; việc công khai thủ tục hành chính, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính ở một số huyện, xã chưa đầy đủ, kịp thời; PCI của tỉnh mặc dù ở mức khá, song còn có chỉ tiêu xếp ở thứ hạng thấp.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Trong thời gian tới, để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính ở tỉnh Phú Thọ cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác cải cách hành chính, trọng tâm là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 6-11-2015, của Tỉnh ủy về “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020”, Nghị quyết số 14/NQ-HĐND, ngày 14-12-2015, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về việc thông qua Kế hoạch thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021”, Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 19-7-2016, của Hội đồng nhân dân tỉnh “Về việc thực hiện 4 khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch và cải cách hành chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020”. Triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động số 44-KH/TU, ngày 14-12-2017 của Tỉnh ủy về “Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kế hoạch hành động số 45-KH/TU, ngày 14-12-2017 của Tỉnh ủy về “Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Thực hiện đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tuyên truyền về cải cách hành chính, đặc biệt là thông qua báo chí của Trung ương và địa phương. Phát huy hiệu quả của Cổng giao tiếp điện tử tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ để đăng tải các bài viết, chương trình, chuyên mục về cải cách hành chính.

Thứ hai, trong các nội dung cải cách hành chính, cần tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tăng cường rà soát các thủ tục hành chính và nghiên cứu, đề xuất cắt giảm tối đa thời hạn giải quyết, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính hiện hành. Đối với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là người chịu trách nhiệm chính trong việc lựa chọn, bố trí công chức, viên chức có năng lực, trách nhiệm, đạo đức, am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ đến làm việc tại các đơn vị này. Ủy ban nhân dân cấp huyện cần triển khai thực hiện có hiệu quả việc đánh giá, chấm điểm về chỉ số cải cách hành chính đối với các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước, cần tăng cường việc nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. 

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Cần triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động số 62-KH/TU, ngày 16-7-2018, về “Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Chương trình hành động số 37-Ctr/TU, ngày 5-7-2018, về “Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” và Chương trình hành động số 38-Ctr/TU, ngày 10-7-2018, “Về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”. 

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân. Do đó, các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết công việc, đạo đức công vụ, đặc biệt là trong giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và của cả cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, đúng đối tượng.

Thứ tư, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hoạt động cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng và triển khai việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001 - 2015 đối với cấp xã. Việc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động là bước đệm quan trọng để tiến tới không tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các sở, ban, ngành, do đó, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại ủy ban nhân dân cấp huyện.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính, công vụ, kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao uy tín của chính quyền các cấp. Nghiên cứu và xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân. Giám sát việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các đơn vị cấp huyện và cấp xã./.


Theo tapchicongsan.org.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)