Ngày 3/6/2024, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu giải pháp xử lý đồng thời các chất ô nhiễm hữu cơ, amoni và mangan trong nước mặt sử dụng bể lọc sinh học tiếp xúc”, do trường Đại học Xây dựng thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Công Thịnh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp
Báo cáo Hội đồng, TS. Đào Thị Minh Nguyệt nêu lý do, sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ, đồng thời cho biết, mục tiêu của nghiên cứu nhằm đề xuất giải pháp phù hợp để xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ, amoni và mangan trong điều kiện nguồn nước mặt của Việt Nam đang suy thoái; thiết kế công nghệ bể lọc sinh học tiếp xúc để loại bỏ chất ô nhiễm hữu cơ, amoni và mangan trong nước mặt, ứng dụng phần mềm mô phỏng GPS-X; xây dựng chỉ dẫn thiết kế và vận hành tối ưu bể lọc sinh học tiếp xúc, tạo cơ sở cho việc nhân rộng mô hình này tại các nhà máy nước mặt ở Việt Nam.
Nhóm đã hoàn thành các sản phẩm của Nhiệm vụ theo hợp đồng, bao gồm: Báo cáo tổng kết; Báo cáo tóm tắt; dự thảo hướng dẫn thiết kế và vận hành bể lọc sinh học; đề xuất kiến nghị bổ sung công nghệ bể lọc sinh học tiếp xúc, tạo cơ sở nhân rộng mô hình này tại các nhà máy nước mặt tại Việt Nam; 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đúc kết được một số kết luận quan trọng: hiện trạng các chất ô nhiễm hữu cơ, amoni và mangan đang có xu thế gia tăng trong nguồn nước mặt cấp cho các nhà máy nước trên toàn quốc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân và gây khó khăn trong vận hành các nhà máy nước. Trong khi đó, bể lọc sinh học tiếp xúc có nhiều ưu điểm về tiết kiệm chi phí vận hành, giảm thiểu các sản phẩm phụ độc hại tới sức khỏe, tiết kiệm diện tích đất; mức độ cạnh tranh oxy giảm dần từ các nhóm vi sinh vật tiêu thụ chất hữu cơ đến amoni và cuối cùng là mangan; việc đặt bể lọc sinh học tiếp xúc sau bể lắng cho phép giảm thiểu độ đục đầu vào và tận dụng oxy dồi dào. Hơn nữa, bể lọc sinh học tiếp xúc có khả năng loại bỏ tới 50% chất ô nhiễm thuộc nhóm dễ phân hủy (tuy nhiên đối với chất hữu cơ trong nước nền sau lắng thuộc nhóm khó phân hủy, cần sử dụng phương án khác để xử lý). Nhóm cũng đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong tiêu chuẩn quốc gia liên quan tới bể lọc sinh học tiếp xúc.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Nhiệm vụ, nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong việc hoàn thành các sản phẩm theo hợp đồng. Báo cáo tổng kết có lượng thông tin phong phú; các phương pháp nghiên cứu phù hợp và đảm bảo độ tin cậy; hồ sơ nghiệm thu tuân thủ quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Hội đồng góp ý Báo cáo tổng kết cần bố cục hợp lý hơn; cần bổ sung nội dung đánh giá công nghệ bể lọc sinh học tiếp xúc, ưu, nhược điểm của giải pháp này với các giải pháp thông dụng khác; mạnh dạn hơn trong việc đưa ra những đề xuất, kiến nghị cập nhật, bổ sung, chính sửa các tiêu chuẩn, quy định pháp luật liên quan, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng Luật Cấp thoát nước.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Công Thịnh ghi nhận nỗ lực của nhóm nghiên cứu cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp (Công ty Cấp thoát nước Hải Phòng và một số công ty khác) vào kết quả chung của Nhiệm vụ. Điều này vừa đảm bảo độ tin cậy, ý nghĩa thực tiễn của kết quả nghiên cứu vừa cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của các đơn vị cấp thoát nước đối với chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt cấp cho người tiêu dùng. Tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết và các sản phẩm của Nhiệm vụ, thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Hội đồng nhất trí nghiệm thu Nhiệm vụ với kết quả xếp loại Khá.