Đổi mới Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị

Thứ tư, 09/11/2022 16:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Thực trạng phát triển đô thị Việt Nam

Tính đến năm 2020, cả nước có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40% năm 2020. Đô thị hóa tăng nhanh ở các thành phố lớn, lan toả và phân bố tương đối đồng đều trên cả nước. Hạ tầng đô thị từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu.

Tốc độ đô thị hóa nhanh do số dân thành thị tăng nhanh chóng, đạt hơn 34 triệu người vào cuối năm 2020. Tỷ lệ tăng dân số bình quân khu vực thành thị giai đoạn 2011-2020 là 2,64%/năm, gấp hơn 2 lần tỷ lệ tăng dân số của cả nước và gấp 6 lần tỷ lệ tăng dân số khu vực nông thôn. Trong đó, yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,3 triệu người, chiếm 3,8% dân số thành thị. Đặc biệt, nhờ có sự chuyển đổi từ xã thành phường, thị trấn của nhiều địa phương góp phần chuyển 7,7 triệu người đang là cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương gần 22,6% dân số thành thị của cả nước năm 2020.

Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh nhất cả nước, tiếp đó là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Điều này cũng được chứng minh thông qua thu nhập bình quân đầu người của dân cư đô thị, bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016 - 2020, thu nhập bình quân người/tháng ở khu vực thành thị đạt 5,538 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn.

Các vấn đề bất cập trong quy hoạch đô thị và tác động từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị

Công tác quy hoạch đô thị là cơ sở cho việc quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên hiện nay, quy hoạch đô thị còn một số bất cập cần được giải quyết: như tính dẫn hướng cho công tác quản lý phát triển đô thị của sản phẩm quy hoạch còn chưa đảm bảo vừa có tính chặt chẽ, có tầm nhìn dài hạn của phương án quy hoạch vừa có tính linh hoạt, phù hợp với biến động liên tục của các yếu tố thị trường và tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, quy hoạch chưa thực sự là tài liệu phục vụ quản lý phát triển đô thị hiệu lực và hiệu quả, dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một phần trong những bất cập này đến từ thực tế hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay. Các vấn đề có thể kế đến như:

Các chỉ tiêu về đất đai: đất dân dụng, đất đơn vị ở, đất cây xanh sử dụng công cộng… vẫn sử dụng các quy định đã có trước đây và quy định theo cấp loại đô thị.

Các chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất mới chỉ khống chế chỉ tiêu lớn nhất, chưa quy định cụ thể được cho các khu vực đặc trưng trong đô thị.

Các chỉ tiêu về khoảng cách an toàn về môi trường của các nhà máy xí nghiệp cũng như của một số công trình đầu mối hạ tầng như: cấp nước, xử lý nước thải, xử lý rác thải, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ…

Một số khái niệm còn bỏ ngỏ: loại đất, diện tích chiếm đất… cần được hướng dẫn tại các tiêu chuẩn thiết kế.

Các quy định, chỉ tiêu đối với các khu chức năng (trừ khu công nghiệp).

Đổi mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị

Tính đến thời điểm hiện nay, các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng trong hệ thống tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam đã bao trùm lên hầu hết các khía cạnh. Tuy nhiên cấu trúc cụ thể của từng phần còn ch­ưa đầy đủ, ch­ưa đồng bộ, nội dung của nhiều tiêu chuẩn đã lạc hậu, nhiều tiêu chuẩn có nội dung như­ một văn bản pháp quy, bao gồm cả các quy định về quản lý hành chính. Trong khi đó hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động xây dựng đang dần dần được hoàn thiện nh­ư Luật Xây dựng, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Môi tr­ường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... và hàng loạt Nghị định h­ướng dẫn kèm theo đã được ban hành. Điều này đã làm cho nội dung của một số quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật không còn phù hợp, cần phải soát xét, bổ sung hoặc thay thế.

Để khắc phục tồn tại này, Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ/TTg ngày 09/02/2018. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng triển khai lập danh mục hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tới năm 2025 và lập quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng tới năm 2030; thành lập các Ban tư vấn kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng gồm các chuyên gia, các nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đồng thời xây dựng kế hoạch rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng quản lý và tổ chức nghiên cứu, soạn thảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn này hàng năm.

Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, Hạ tầng kỹ thuật hiện tại chủ yếu được xây dựng bằng cách rà soát và chuyển đổi các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng trước đây. Các tiêu chuẩn này có thể có hoặc không được sửa đổi, bổ sung nội dung khi chuyển đổi thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Một số lĩnh vực mới cũng đã và đang được nghiên cứu và ban hành như: nhà cao tầng, công trình ngầm, tiết kiệm năng lượng, an toàn sinh mạng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, công trình xanh. Nhìn chung về mặt hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, Hạ tầng kỹ thuật về bố cục và cách thể hiện đã tiếp cận, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên do chưa có một kế hoạch tổng thể nên các nội dung các quy chuẩn này còn có những trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Các vấn đề này đã dần được nhận ra và đã được chỉnh sửa hoặc có kế hoạch chỉnh sửa thông qua các dự án rà soát, chỉnh sửa các quy chuẩn hiện nay. Theo Quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng, hệ thống Quy chuẩn đã được xác định và từng bước được rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện. Cho đến nay, cơ bản hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật đã được rà soát, chỉnh sửa. Trong đó các quy chuẩn có liên quan trực tiếp đến công tác Quy hoạch xây dựng gồm Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng đã được soát xét, chỉnh sửa hoàn thiện và ban hành năm 2021, Quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được rà soát, chỉnh sửa và dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2022.

Đối với hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, các tiêu chuẩn lĩnh vực Quy hoạch xây dựng hiện nay không còn phù hợp với những quy định mới trong Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009... về cả nội dung và trình tự lập quy hoạch. Các tiêu chuẩn lĩnh vực Quy hoạch được biên soạn từ lâu, nguồn tài liệu tham khảo chính là hệ thống tiêu chuẩn của Liên Xô được xây dựng từ trước những năm 1980 nên cũng không còn phù hợp trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong khi đó, hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật về Hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng có nhiều nội dung cần phải thay đổi phù hợp với hệ thống quy định hiện hành cũng như thực tế công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và vận hành hiện nay. Hầu hết các tiêu chuẩn thiết kế đã được xây dựng từ lâu, nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình hiện tại, đặc biệt là sau khi Luật Quy hoạch đô thị được ban hành, cũng như Luật Xây dựng được sửa đổi. Vì vậy, do nhu cầu quản lý, các vấn đề trên do hệ thống tiêu chuẩn quy định đã được lồng vào trong các quy định của các quy chuẩn, dẫn đến một số quy định trong quy chuẩn trở nên cứng nhắc, không tạo điều kiện cho sự phát triển đô thị trong thời đại mới. Hai tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với công tác Quy hoạch xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn là TCVN 4449:1987 Quy hoạch đô thị: Tiêu chuẩn thiết kế đang được soát xét chỉnh sửa theo hướng tách thành các tiêu chuẩn thành phần, TCVN 4454-2012 Quy hoạch xây dựng nông thôn - Tiêu chuẩn thiết kế đang được soát xét chỉnh sửa và dự kiến ban hành vào năm 2022 – 2023. Các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng theo từng khu chức năng cũng đang được nghiên cứu, xây dựng (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu du lịch…); các tiêu chuẩn thiết kế về các đối tượng, nội dung khác trong quy hoạch xây dựng như: đơn vị ở, không gian xanh, cây xanh đô thị, phân vùng sử dụng đất, thiết kế đô thị, lựa chọn đất xây dựng, dự báo dân số, đánh giá tác động hạ tầng, giao thông đô thị, cao độ nền, cấp nước, thoát nước, chất thải rắn… cũng đang từng bước được xây dựng mới hoặc soát xét, chỉnh sửa, bổ sung theo kế hoạch đặt ra đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cốt lõi về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Trong giai đoạn tới, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đồng thời với việc liên tục rà soát, đánh giá hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẫn kỹ thuật đã được ban hành để có chỉnh sửa, bổ sung kịp thời giải quyết được các vấn đề tồn tại khi triển khai áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tế công tác nghiên cứu thiết kế, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị.

Hơn nữa cũng cần phải tính đến nhu cầu xây dựng đồng thời hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với những quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác và hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia với những quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, đối tượng… (Điều 2, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật)

Ngoài ra, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tiêu chuẩn cơ sở cũng chưa được thực sự được quan tâm, xây dựng. Cụ thể là trong lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, Hạ tầng kỹ thuật chưa có quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tiêu chuẩn cơ sở nào được ban hành, ngoại trừ TP Hà Nội đang triển khai xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc cho 4 quận nội thành. Các cơ quan quản lý địa phương, các cơ quan nghiên cứu khoa học khác chưa có xu hướng xây dựng các quy chuẩn địa phương hay tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng trên địa bàn hoặc nội bộ đơn vị. Tuy nhiên một số mầm mống ban đầu của các tiêu chuẩn cơ sở đã được hình thành qua các Hướng dẫn kỹ thuật, Sổ tay thiết kế do các đơn vị nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Xây dựng đã được ban hành.

Kết luận

Công tác hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng trong hệ thống tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam đã và đang được thực hiện một cách tích cực, khẩn trương, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Việc đổi mới hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực Quy hoạch xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua, nhất là phải phù hợp với hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch và quản lý đô thị cũng đang được nghiên cứu, sửa đổi hoặc xây dựng nh­ư Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị... Bộ Xây dựng đang từng bước khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công tác hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực Quy hoạch xây dựng.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh
Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)