Phòng, chống thiên tai cho các đô thị Việt Nam

Thứ tư, 09/11/2022 09:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

I. Tình hình thiên tai tại các đô thị

Hiện nay, trên cả nước có 02 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III và 90 đô thị loại IV. Các đô thị lớn là nơi thường chịu tác động của các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, dông lốc, nắng nóng... trong đó các loại hình bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

1.1 Bão, áp thấp nhiệt đới

Bão gây thiệt hại lớn về người, tài sản cho các đô thị, gây sập, đổ hư hại nhà ở, gãy đổ cây xanh, hệ thống điện, hệ thống biển hiệu, các cột tháp, công trình cao tầng...

Bão số 6 (XANGSANE) năm 2006 là cơn bão có cường độ rất mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14 đổ bộ trực tiếp vào TP Đà Nẵng. Bão và mưa lũ sau bão đã làm 76 người chết, mất tích, 350 nghìn nhà sập đổ, hư hại, gần 1 nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hại, thiệt hại về kinh tế lên tới trên 10 nghìn tỷ đồng tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trong đó riêng tại Đà Nẵng là 32 người chết, mất tích; 122.300 nhà bị hư hỏng, thiệt hại vật chất trên 5.290 tỷ đồng.


Bão Xangsane gây sập đổ nhà tại Đà Nẵng

Bão số 10  (DOKSURI) năm 2017 đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió 11, giật cấp 12 - 13, làm 06 người chết, 152 người bị thương, 194 nghìn nhà bị hư hỏng, 7.800 cột điện và cột tháp truyền hình tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị gãy đổ; tổng thiệt hại ước tính trên 18 nghìn tỷ đồng.


Bão số 10 làm đổ cột truyền hình tại Kỳ Anh và tốc mái nhà

2.1 Mưa lớn, ngập lụt

Mưa lớn, ngập lụt là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho các đô thị nhất là các khu vực đô thị lớn, tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế xã hội như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Một số trận thiên tai điển hình gây thiệt hại lớn như:

Ngập lụt các đô thị đồng bằng do mưa lũ lớn:

Lũ lớn tại đồng bằng Bắc Bộ năm 1971, trong đó có thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn: Đây là trận lũ lịch sử kể từ đầu thế kỷ 20 trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Lũ lớn gây vỡ đê, ngập lụt trên nhiều vùng rộng lớn và đông dân cư, nhiều người chết và mất tích, ảnh hưởng trực tiếp đến 2,88 triệu người; 250.139 ha lúa bị ngập, trong đó 162.598 ha mất trắng; 120.361 nhà bị ngập; giao thông trên các quốc lộ, đường sắt bị ngập và đình trệ hàng tháng. Thiệt hại vật chất tương đương 1 tỷ đồng (thời giá năm 1971).

 


Ngập lụt ngoài đê sông Hồng, Hà Nội trong lũ năm 1971

Ngập lụt Hà Nội năm 2008: Từ ngày 30/10 đến 03/11/2008, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội có mưa rất lớn 400 - 600mm, một số trạm mưa lớn nhất trong lịch sử quan trắc như Thanh Oai 988 mm, Hà Đông 830 mm, Láng 597 mm. Mưa lớn đã gây lũ trên báo động 1 trên sông Hồng tại Hà Nội và ngập lụt nghiêm trọng khu vựpc nội thành, làm 22 người chết, 21 nhà bị sập, trôi, 34.868 nhà bị ngập, hư hại; tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 3.000 tỷ đồng.

Mưa lịch sử tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An với tổng lượng 700 mm/24 giờ ngày 16/10/2019 (vượt mức lịch sử năm 1989: 597mm/24h) đã gây ngập lụt nghiêm trọng TP Vinh trong ngày 16/10/2019.

Mưa lớn tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang từ ngày 01 - 09/8/2019 với tổng lượng lên tới 1.173 mm, trong đó riêng ngày 09/8/2019 là 378 mm, vượt lượng mưa ngày lịch sử tại khu vực là 327 mm (22/8/1997) đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên đảo.

Ngập lụt Đà Nẵng từ 14 - 15/10/2022: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, từ ngày 14 - 15/10, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra mưa rất lớn từ 500 - 700 mm, tập trung từ chiều tối 14/10 đến rạng sáng 15/10 (Suối Đá mưa 831 mm vượt lịch sử (năm 2018 là 635mm), cường suất rất lớn 642 mm/7 giờ (từ 15 -21h/14/10) và 165 mm/giờ (19 - 20h/14/10). Mưa lớn kết hợp triều cường đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn thành phố có nơi tới 1,5 - 2,0 m, làm 04 người chết, 70.000 nhà bị ngập, 14 điểm trường bị ngập, hàng loạt ôtô, tài sản khác của người dân bị hư hại, trang thiết bị, đồ dùng học tập bị hư hỏng; ước thiệt hại về kinh tế tới gần 1.500 tỷ đồng.

Ngập lụt TP Huế (TT.Huế) và Hội An, tỉnh Quảng Nam do mưa lũ lớn sau bão số 12/2017:

Mưa lớn, ngập lụt cả các đô thị vùng núi:

Mưa lớn vượt lịch sử tại Hà Giang: Từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7/2020, tỉnh Hà Giang có mưa rất lớn: TP Hà Giang 378 mm, Đạo Đức 395 mm, Cao Bồ 401 mm; trong đó tại TP Hà Giang, lượng mưa 24 giờ (từ 19h/20/7 đến 19h/21/7) đạt 347 mm, lớn nhất theo số liệu quan trắc trong vòng gần 60 năm (tính từ năm 1961). Mưa lớn đã gây sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng từ 0,5 - 1 m, có nơi 2 m tại TP Hà Giang.

Mưa lớn, ngập lụt tại Quảng Ninh năm 2015: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ ngày 24/7 đến 04/8/2015, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra đợt mưa lớn vượt lịch sử về cường suất và tổng lượng với tổng lượng 1.000 - 1.500 mm (Cửa Ông: 1.557 mm, Cô Tô: 1.256 mm). Mưa lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực đô thị tại Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái… Mưa lũ đã làm 17 người chết, 146 nhà bị sập đổ, tổng thiệt hại ước tính trên 2.700 tỷ đồng.

Mưa lớn gây ngập lụt TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào chiều 01/9/2022: Chiều 01/9/2022, trên địa bàn TP Đà Lạt đã có mưa rất lớn 120 mm, gây ngập nhiều nhà dân và các phương tiện giao thông.

Ngập lụt do triều cường, gió mùa tại miền Nam:

TP.HCM và các đô thị vùng ĐBSCL thường xuyên bị ảnh hưởng do các đợt triều cường, nhất là vào cuối năm âm lịch, gây thiệt hại về tài sản, ngập lụt nhà dân và các tuyến đường giao thông. Đợt triều cường cuối từ ngày 10 - 14/10/2022 đã ghi nhận các mực nước lịch sử tại Mỹ Thuận (Tiền Giang) và TP Cần Thơ[1].

 
Triều cường tại Cần Thơ và TP.HCM tháng 10/2022

3.1 Sạt lở đất, lũ quét

Sạt lở đất, lũ quét là loại hình thiên tai gây thiệt hại cho các đô thị miền núi hoặc ven núi. Điển hình là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, từ ngày 17 -18/11/2018, tại Nha Trang (Khánh Hoà) đã có mưa cục bộ rất lớn 336 mm (từ 19h ngày 17/11 đến 09h ngày 18/11), trong đó 235 mm từ 6 - 9h ngày 18/11. Mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở tại nhiều điểm của TP Nha Trang làm 20 người chết, 352 nhà bị sập đổ, hư hỏng. Thiệt hại vật chất trên 1.240 tỷ đồng.


Lũ quét, sạt lở đất tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa, làm 4 người thiệt mạng và 10 ngôi nhà bị phá hủy

4.1 Dông lốc

Dông lốc gây thiệt hại lớn về người, tài sản cho các đô thị, gây sập, đổ hư hại, nhà ở, gãy đổ cây xanh, hệ thống điện, hệ thống biển hiệu...


Dông lốc làm đổ cây xanh đè vào ô tô tại quận 7, TP.HCM ngày 23/6/2022.

5.1 Sạt lở bờ sông, kênh rạch các đô thị vùng ĐBSCL

Sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây. Trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất; hiện có có 690 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 865 km; trong đó, sạt lở bờ sông 608 điểm với tổng chiều dài khoảng 590 km (chủ yếu xảy ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), nhiều điểm sạt lở thuộc các đô thị đông dân cư.


Sạt lở bờ sông Trà Nóc, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ.

 

II. QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI ĐÔ THỊ

Công tác phòng, chống thiên tai tại các đô thị theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn.

Điều 19, Luật Phòng, chống thiên tai đã được sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác, trong đó:

- Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, bao gồm:

+ Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai;

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch.

- Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong hồ sơ dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác trước khi phê duyệt dự án và quyết định đầu tư.

- Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng mới hoặc nâng cấp công trình, nhà ở áp dụng tiêu chuẩn có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

- Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình phải có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

III. NGUY CƠ THIÊN TAI CHO KHU VỰC ĐÔ THỊ

Nguy cơ lũ lớn đồng bằng sông Hồng, nhất là xả lũ khẩn cấp các hồ chứa trên thượng nguồn, đe doạ an toàn hệ thống đê điều sau thời gian dài không có lũ và có thể gây lũ lụt, ngập sâu cho các đô thị, trong đó có thủ đô Hà Nội. Ngập lụt các đô thị miền Trung do mưa lũ lớn, mực nước trên các sông trên BĐ3.

Ngập lụt xảy ra thường xuyên do mưa lớn cục bộ với cường suất lớn, đặc biệt là các đô thị lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, nhất là ô tô, xe máy.

Bão mạnh, siêu bão nguy cơ đổ bộ vào các đô thị ven biển, trong đó khu vực phía Bắc từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế nguy cơ siêu bão cấp 15, 16, giật cấp 17.

Tình trạng gia tăng sạt lở ven biển và các đô thị vùng ĐBSCL.

Dông lốc nguy cơ gây thiệt hại, nhất là về người tại các khu đô thị (do cây đổ, rơi các biển báo...).

IV. MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN, TỒN TẠI

Thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, trong đó mưa với cường suất rất lớn, tập trung trong thời gian ngắn (từ 3 - 6 giờ) như tại Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh...; triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước gây ngập lụt nghiêm trọng cho các đô thị[2].

Quy mô, dân số tại các đô thị ngày càng gia tăng, phát triển đô thị chưa tính toán đầy đủ các yếu tố làm gia tăng rủi ro thiên tai như thiếu không gian thoát lũ, trữ lũ (các hồ, ao tự nhiên), hệ thống thoát nước không đáp ứng yêu cầu,...; đồng thời phần lớn đô thị nằm trong vùng nguy cơ rủi ro cao về thiên tai, nhất là lũ, ngập lụt, bão...

Các đô thị lớn ven biển chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và triều cường với tần suất gia tăng.

Phương án ứng phó thiên tai cho đô thị (nơi tập trung đông dân cư, cơ sở hạ tầng....) chưa được quan tâm đúng mức và chưa cập nhật các tình huống thiên tai cực đoan như hiện nay.

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý rủi ro thiên tai các đô thị còn hạn chế.

Chưa thường xuyên cập nhật, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hạ tầng đô thị cho phù hợp với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu.

Hướng dẫn quản lý đô thị an toàn chưa được triển khai đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề về nhà ở, hệ thống thoát nước, cây xanh,...nhất là khu vực phía Nam.

V. ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP

Rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh trong đó lưu ý nội dung phân vùng rủi ro thiên tai và xây dựng phương án quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Kiểm soát quy hoạch và xây dựng để hạn chế bị tác động của thiên tai và làm gia tăng rủi ro thiên tai, xác định tiêu chuẩn tiêu thoát nước phòng chống ngập úng phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu, chủ động phân vùng tiêu, chú trọng dành không gian cho thoát lũ, bố trí các hồ điều hòa để trữ nước tạm thời chống ngập úng khi mưa lớn và nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước.

Ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đổ chất thải lấn chiếm không gian thoát nước, chứa nước; đồng thời tăng cường nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước. Kiểm tra, kiểm soát các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng.

Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai theo quy hoạch, nhất là hệ thống đê ngăn lũ, ngăn mặn, hệ thống cống, trạm bơm, hồ điều hòa, các trục tiêu và kênh dẫn nước chống ngập úng; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát an toàn thiên tai, nhất là ngập úng.

Xây dựng phương án ứng phó với thiên tai tại các đô thị phù hợp với từng vùng miền, nhất là ứng phó với mưa cực đoan, bão mạnh có nguy cơ đổ bộ.

Ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý đô thị, trong đó có ứng phó với thiên tai (mô hình Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh TT-Huế).

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của cộng đồng đối với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trong khu vực sinh sống để giảm thiểu thiệt hại.

Đánh giá tác động của xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tác động đến thiên tai đô thị, nhất là đường giao thông, công trình ven sông, ven biển,…và đề xuất giải pháp không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ NN&PTNT



[1]- Trạm Cần Thơ trên sông Hậu lên mức 2,27m, trên BĐ III 0,37m, vượt lịch sử năm 2018 là 0,04m;

- Trạm Mỹ Thuận trên sông Tiền lên mức 2,17m, trên BĐ III 0,37m, vượt lịch sử năm 2018 là 0,1m.

[2] Tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn từ năm 2006 đến 2015 tần suất xuất hiện đỉnh triều trên +1,50m chỉ có 94 lần; tuy nhiên trong 05 năm (từ năm 2017 - 2021) đã có tới 151 lần (gấp hơn 1,6 lần), đặc biệt đỉnh triều đã chạm mức +1,77m (trên BĐ3 là 0,17m).

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)