Trả lời kiến nghị của các địa phương Vĩnh Phúc, Bắc Giang

Thứ năm, 30/05/2024 15:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 1414/BCT-KHTC ngày 05/3/2024 của Bộ Công Thương về việc xử lý kiến nghị của các địa phương gửi Đoàn công tác theo Quyết định số 435/QĐ-TTg. Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị của các địa phương, Bộ Xây dựng trả lời cụ thể như sau: 

1. Về nội dung kiến nghị của tỉnh Bắc Giang

1.1. Về nội dung kiến nghị: Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Đo đạc và bản đồ số 27/2018/QH14: “4. Hoạt động đo đạc và bản đồ là việc đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác. Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành”. Theo Điều 29 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ thì việc đo đạc, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000... thuộc Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép. Như vậy, đơn vị tư vấn khảo sát địa hỉnh tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 phục vụ lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng phải có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp, trong khi đơn vị đã có chứng chỉ năng lực khảo sát xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.

Đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hướng dẫn tháo gỡ nội dung này, bổ sung, sửa đổi quy định nêu trên theo hướng đơn vị tư vấn khảo sát xây dựng đã có chứng chỉ năng lực khảo sát xây dựng thì không cần giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của UBND tỉnh Bắc Giang về nội dung kiến nghị nêu trên để nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2024.

1.2. Về nội dung kiến nghị: Theo điểm d khoản 2 Điều 30 Luật Xây dựng: “d) Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt là cơ sở lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn gồm trung tâm xã, khu dân cư, khu chức năng khác trên địa bàn xã"; theo điểm d khoản 2 Điều 31 Luật Xây dựng: "d) Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được phê duyệt là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng".

Trên thực tế, tại khu vực ở nông thôn chỉ có quy hoạch chung xây dựng xã, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, do đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng tại khu đất hiện hữu (như: UBND xã, trạm y tế, trường mầm non,... nằm trong điểm dân cư nông thôn) phải lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở để lập dự án dẫn đến kéo dài thời gian và phát sinh thêm chi phí lập quy hoạch chi tiết trong bước chuẩn bị dự án. Theo Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã quy định lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (gọi là quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng) đối với lô đất có quy mô nhỏ thuộc khu vực trong phạm vi phát triển đô thị và trong khu chức năng, song chưa có quy định lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn tại khu vực nông thôn.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (quy hoạch tổng mặt bằng) đối với các dự án ở khu vực nông thôn.

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 31 Luật Xây dựng năm 2014, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được phê duyệt là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng; nội dung đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn gồm xác định vị trí, diện tích xây dựng của các công trình: trụ sở làm việc của cơ quan hành chính xã, công trình giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ và nhà ở; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phục vụ sản xuất. Do đó, UBND tỉnh Bắc Giang căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng để chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn làm cơ sở đầu tư xây dựng, phát triển điểm dân cư nông thôn, bao gồm các công trình nằm trong điểm dân cư nông thôn như UBND xã, trạm y tế, trường mầm non...

Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của tỉnh Bắc Giang để tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Về các nội dung kiến nghị của tỉnh Vĩnh Phúc

2.1. Các kiến nghị về quy hoạch xây dựng

- Về sự phù hợp giữa các cấp độ quy hoạch xây dựng: Đồ án QHXD có nhiều cấp độ: Quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Tại Luật Quy hoạch đô thị (Điều 25, 26, 27, 28, 29) quy định quy hoạch chung là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch phân khu là cơ sở để lập quy hoạch chỉ tiết. Do đó, trong quá trình lập quy hoạch, cần đối chiếu sự phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn. Đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn, tiêu chí để cụ thể xác định “sự phù hợp” này; hướng dẫn việc xử lý khi có sự mâu thuẫn tại cùng một vị trí giữa các đồ án quy hoạch.

- Việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết rút gọn (quy hoạch tổng mặt bằng) chỉ quy định tại các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị và các khu chức năng (Điều 1 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP). Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về quy hoạch chi tiết rút gọn (quy hoạch tổng mặt bằng) đối với khu vực nông thôn hoặc cho hướng dẫn trường hợp này có phải lập quy hoạch tổng mặt bằng không. Đồng thời, đề nghị hướng dẫn cụ thể về chi phí lập QHCT rút gọn.

- Về kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị: UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 6157/UBND-CN3 ngày 03/8/2023 đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn. Đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc đảm bảo phù hợp “kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị” được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 là phù hợp với những nội dung nào? địa phương cần thực hiện những nội dung gì để đảm bảo điều kiện này? đối với các đồ án QHC đô thị, QHPK được lập theo Luật Quy hoạch đô thị thì sau khi phê duyệt, có phải lập riêng hồ sơ kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị hay không. Trường hợp phải lập kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị thì nội dung kế hoạch, trình tự thực hiện và thẩm quyền trong việc lập, ban hành kế hoạch như thế nào?

- Việc huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch: Theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 10 Luật Quy hoạch năm 2017 thì Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ chế, chính sách nêu trên vẫn chưa được Trung ương ban hành. Vì vậy, việc huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch chưa thể đẩy mạnh mặc dù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều đơn vị sẵn sàng cam kết bỏ vốn lập QHCT tỷ lệ 1/500, trình thẩm định và phê duyệt đồ án theo quy định của pháp luật và trường hợp không trúng làm chủ đầu tư dự án, các đơn vị không có bất cứ yêu cầu nào đối với cơ quan nhà nước về việc chi trả chi phí quy hoạch.

Đề nghị tham mưu Chính phủ ban hành và có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch để có cơ sở triển khai.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Các kiến nghị trên của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đều liên quan đến các quy định Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014. Hiện nay, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 (Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023). Trong đó dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng và với pháp luật có liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.

Bộ Xây dựng ghi nhận kiến nghị của tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật trong quá trình xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV - tháng 11/2024).

2.2. Về nội dung kiến nghị: Tại khoản 23 Điều 3 Luật Xây dựng quy định: “23. Hệ thống công trình hạ tầng xã hội gồm công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình khác”. Tại Mục III Phụ lục I Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định đối với phân loại công trình theo công năng sử dụng: “Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình trong các cơ sở sau: ... b) Công viên cây xanh” thuộc nhóm công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật (công trình hạ tầng kỹ thuật). Phụ lục I phân cấp công trình xây dựng theo mức độ quan trọng hoặc quy mô công suất (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) quy định công trình Công viên cây xanh nằm trong Bảng 1.3 Phân cấp công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật (công trình hạ tầng kỹ thuật);

Tại Mục 1.4.19 QCVN 01:2021 quy định hệ thống công viên, vườn hoa, sân chơi thuộc hệ thống hạ tầng xã hội.

Như vậy, tại các văn bản nêu trên thì “Công viên cây xanh” có sự mâu thuẫn về phân loại công trình (Luật Xây dựng và QCVN 01:2021 xác định “Công viên câỵ xanh” thuộc nhóm Hệ thống công trình hạ tầng xã hội, trong khi Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ và Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dụng thì quy định công trình này thuộc nhóm công trình hạ tầng kỹ thuật). Đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn rõ Công viên cây xanh thuộc nhóm nào, hạ tầng kỹ thuật hay hạ tầng xã hội?

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Theo Luật Xây dựng và QCVN 01:2021/BXD, “hệ thống công viên cây xanh” được quy định thuộc hệ thống công trình hạ tầng xã hội với mục đích phục vụ công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nhằm phát triển không gian xanh và các khu vực vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, “công trình công viên cây xanh” độc lập có cấu phần tạo nên phần lớn bởi cây xanh, hồ nước và các công trình giao thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật phụ trợ; trong đó các hạng mục có kết cấu xây dựng chủ yếu là công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc công trình có kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị (như hồ điều hòa, hè phố,...). Do vậy, “công trình công viên cây xanh” được phân loại là công trình hạ tầng kỹ thuật như quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ và Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng để đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình theo tính chất kết cấu của công trình công viên cây xanh.

2.3. Về nội dung kiến nghị: Đối với vướng mắc về quy trình, tính pháp lý việc quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất đấu giá quyền sử dụng đất, đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn dự án ĐTXD hạ tầng khu đất ở đấu giá quyền sử dụng đất đất ở (tạo mặt bằng sạch để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở) có phải là dự án nhà ở hay không?

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của Luật Nhà ở năm 2014 thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổng hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để xây dựng mới nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở trên một địa điểm nhất định.

Tại khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở năm 2014 (được sửa đổi tại Điều 2 Luật Xây dựng năm 2020) đã có quy định cụ thể các loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Đến Luật Nhà ở năm 2023, Quốc hội tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành để quy định danh mục các loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở (Điều 30).

Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ vào các quy định của Luật Nhà ở và đối chiếu với trường hợp cụ thể của địa phương để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở.

2.4. Về nội dung kiến nghị: Đề nghị hướng dẫn địa phương thực hiện trình tự, thủ tục đối với loại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đất ở đấu giá quyền sử dụng đất theo văn bản số 2785/SXD-QHKT ngày 30/7/2021 và số 2740/SXD-QHKT ngày 10/7/2023 của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Hiện nay, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đối với từng loại nguồn vốn đầu tư đã được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, bao gồm: pháp luật đầu tư, pháp luật nhà ở, pháp luật xây dựng, pháp luật quy hoạch, pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan.

Thực hiện quy định tại Điều 34 Luật Nhà ở năm 2023, Bộ Xây dựng được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở, trong đó có quy định về các giai đoạn đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ở và đang gửi lấy ý kiến góp ý các địa phương, Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ xem xét, ban hành vào Quý II/ 2024.

Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ vào nguồn vốn thực hiện dự án nêu tại văn bản số 2785/SXD-QHKT ngày 30/7/2021 và văn bản số 2740/SXD-QHKT ngày 10/7/2023 của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc để xác định trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng dự án xây dựng nhà ở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3237/BXD-VP.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)