Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 15/09/2023 17:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV theo công văn số 907/BDN ngày 01/8/2023 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung các kiến nghị như sau:

1. Kiến nghị tại mục 27: Đề nghị quy định cụ thể hơn về công tác lập quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất, quy mô các chức năng và cơ chế đầu tư với khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, ban hành một số mô hình mẫu để các địa phương tham khảo thực hiện.

Vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo quy định tại Luật Xây dựng, quy hoạch nông thôn bao gồm Quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn và các khu chức năng khác (bao gồm khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn). Quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã phải đảm bảo các nguyên tắc: Về vị trí là khu vực đầu mối giao thông chính của xã nhằm kết nối, vận chuyển hàng hóa an toàn, thuận lợi, đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường cho khu dân cư theo quy định. Về quy mô phải đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế thực tiễn của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn có thể được xác lập tại vị trí tập trung hoặc phân tán, lồng ghép trong các chức năng khác (cụm công nghiệp, khu dịch vụ - thương mại - du lịch, trung tâm hành chính xã…) được xác định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai các dự án khoa học và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra các mô hình mẫu.

2. Kiến nghị tại mục 28: Đề nghị quy định cụ thể hơn về quy mô (tối thiểu, tối đa) về dân số, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất ở, hạ tầng giao thông theo người tại điểm dân cư nông thôn, khu vực phát triển thành đô thị nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất, tránh lãng phí quỹ đất ở tại khu vực nông thôn. Quy định bổ sung về cơ cấu, chỉ tiêu dân cư khi hình thành khu dân cư mới, khu đô thị mới tại các khu vực nông thôn có dư địa, động lực phát triển đô thị mới. Tạo điều kiện, cơ sở tính toán hình thành đô thị mới trên cơ sở dự án động lực.

Vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Việc hình thành các đô thị mới phải phù hợp với các Quy hoạch ngành quốc gia (Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn), quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.      Việc áp dụng giới hạn chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong các đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch điểm dân cư nông thôn được quy định tại QCVN 01:2021/BXD (mục 2.16.2 quy định về chỉ tiêu sử dụng đất). Mục tiêu của quy hoạch là đề xuất các phương án tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xác định cơ cấu các chỉ tiêu dân cư khi hình thành đô thị, tạo động lực phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển và sử dụng hiệu quả quỹ đất và tránh lãng phí.

3. Kiến nghị tại mục 29: Đề nghị quy định cụ thể về nội dung tích hợp và kinh phí đối với trường hợp tích hợp Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn vào đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.

Vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo pháp luật về kiến trúc, Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, ban hành (khoản 5 Điều 9 Nghị định 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc).

Nội dung khoản 2 Điều 1 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được tích hợp vào đồ án quy hoạch chung xã và là một nội dung về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của đồ án quy hoạch chung xã.

Kinh phí đối với trường hợp tích hợp Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn vào đồ án quy hoạch chung xây dựng xã được quy định tại mục 3 Bảng 2 Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BXD ngày 02/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chi phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.

4. Kiến nghị tại mục 30: Đề nghị có quy định đo đạc bản đồ địa hình làm cơ sở để lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn.

Vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch đô thị và khoản 4 Điều 13 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14, bản đồ địa hình là căn cứ để lập đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Các bản vẽ trong hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo các tỷ lệ 1/50.000, 1/25.000, 1/10.000, 1/5.000, 1/2000, 1/500 tương ứng với từng loại hình quy hoạch.

Theo quy định tại Điều 57 Luật đo đạc và bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trong cả nước và có trách nhiệm chủ trì, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các hướng dẫn, quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ, định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc trực tiếp phục vụ thành lập bản đồ địa hình theo các tỷ lệ. Do đó, để thành lập bản đồ địa hình phục vụ công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn cần căn cứ các quy định pháp luật về đo đạc và bản đồ dể thực hiện.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4150/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)