Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020 với nội dung kiến nghị: “Về trình tự thực hiện quản lý dự án đầu tư công đối với công trình đặc thù (trong đó có các công trình thuộc các dự án cấp bách xử lý hậu quả do sự cố thiên tai hoặc sự cố công trình…) được quy định trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP, 42/2017/NĐ-CP: Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn bằng việc tham mưu với Chính phủ điều chỉnh nâng cao mục 5 quản lý công trình đặc thù của Nghị định 59/2015/NĐ-CP thành một Nghị định riêng do Chính phủ ban hành. Đặc biệt Nghị định này phải có được liên kết với các nghị định về tình trạng khẩn cấp được quy định trong các nghị định khác (như Nghị định 160/2018/NĐ-CP…) và liên kết được với Điều 42 Luật Đầu tư công năm 2019”.
Bộ Xây dựng đã có công văn 4169/BXD-HĐXD trả lời như sau:
Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, nội dung về quản lý dự án đầu tư công đối với công trình đặc thù (trong đó có các công trình xây dựng khẩn cấp để xử lý hậu quả do sự cố thiên tai hoặc sự cố công trình) đã được quy định thống nhất với Điều 42 Luật Đầu tư công năm 2019, cụ thể, tại khoản 48 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 (sửa đổi, bổ sung Điều 130 Luật Xây dựng 2014) quy định: “Đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công”. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng (thay thế Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP), các nội dung về trình tự thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với công trình khẩn cấp sẽ được quy định tại Nghị định này, Bộ Xây dựng xin ghi nhận các ý kiến đóng góp của cử tri, rà soát các pháp luật có liên quan (pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai,….) khi quy định các nội dung cụ thể tại Nghị định để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4169/BXD-HĐXD.