Ngày 28/4/2021, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu Nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế mô hình bệnh viện dã chiến phòng dịch bệnh truyền nhiễm”. Nhiệm vụ do nhóm nghiên cứu thuộc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo với Hội đồng, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: bệnh viện dã chiến là mô hình bệnh viện thu nhỏ, nhằm nhiều mục đích khác nhau như huấn luyện, phục vụ chiến đấu, chăm sóc sức khỏe nạn nhân trong trường hợp xảy ra thảm họa, điều trị phòng chống dịch bệnh.
Tại Việt Nam, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tại một số cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo. Do đó, xây dựng bệnh viện dã chiến là đặc biệt cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế (để các cơ sở này tập trung điều trị các bệnh nhân nặng và rất nặng); không ảnh hưởng đến hệ thống khám chữa bệnh đã được hình thành để ứng phó với dịch bệnh ở tất cả các tuyến.
Mục tiêu của Nhiệm vụ là làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia trong ứng phó với thiên tai, dịch họa; làm cơ sở cho các đơn vị liên quan phát triển công nghệ, vật tư, thiết bị phù hợp với yêu cầu xây dựng bệnh viện dã chiến; lập hướng dẫn chung giúp các địa phương lựa chọn phương án phù hợp nhất về vị trí, địa điểm, quy mô, thiết kế kiến trúc, kết cấu, cơ điện để xây dựng bệnh viện dã chến; lập hướng dẫn và các bản vẽ minh họa mô hình bệnh viện dã chiến để các đơn vị liên quan tham khảo, áp dụng toàn bộ hoặc một phần, căn cứ vào thực tế và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Nguyên tắc xây dựng bệnh viện dã chiến gồm: phân khu chức năng hợp lý, dây chuyền hoạt động thuận tiện giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên y tế, đảm bảo sự yên tĩnh cho bệnh nhân; các khu đất được quy hoạch làm bệnh viện dã chiến cần tiếp xúc ít nhất 2 mặt đường; tách bạch các luồng giao thông trong bệnh viện; sảnh đón tiếp bệnh nhân cần đảm bảo không ùn ứ, tránh tập trung đông người; có hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị máy móc phục vụ nhu cầu chăm sóc bệnh nhân.
Để thực hiện Nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tế các bệnh viện dã chiến đã được xây dựng ở một số địa phương, đồng thời áp dụng các phương pháp khoa học như tổng hợp, phân tích số liệu, tổ chức hội thảo nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia. Sản phẩm được nhóm nghiên cứu hoàn thành là báo cáo tổng kết với 4 chương. Trong đó, bên cạnh tổng quan tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam, các kinh nghiệm quốc tế và giải pháp ứng phó, nhóm còn làm rõ cơ sở khoa học và các yêu cầu đối với mô hình bệnh viện dã chiến. Nhhiều giải pháp xây dựng bệnh viện dã chiến được đề xuất như giải pháp xây dựng tiền chế (nhà lắp ghép tại chỗ, nhà block); lựa chọn địa điểm, diện tích khu đất, đặc điểm công trình; hạ tầng kỹ thuật; thiết kế kiến trúc; kỹ thuật; hệ thống cấp nước; thoát nước; hệ thống điện; hệ thống thông gió, điều hòa không khí; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; phòng cháy chữa cháy; hệ thống khí y tế; hệ thống mẫu bệnh phẩm; hệ thống báo gọi y tá.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các kiến nghị: xây dựng bệnh viện dã chiến trong thời gian gấp rút đòi hỏi các cơ quan quản lý và thiết kế xây dựng cần chú trọng đặc biệt đến yếu tố nguồn lực sẵn có và điều kiện đặc thù từng địa phương, nhằm triển khai một cách phù hợp và đạt hiệu quả tối ưu; các khung pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế đối với công trình đặc thù như bệnh viện dã chiến cần quy định rõ việc áp dụng một cách phù hợp và linh động để không cản trở về thiết kế xây dựng, thủ tục và thời gian thực hiện; công việc sản xuất vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị cần được tích hợp phù hợp với yêu cầu và tính chất của bệnh viên dã chiến; đề xuất nghiên cứu và xây dựng, hướng dẫn việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí áp dụng riêng cho các công trình xây dựng trong trường hợp khẩn cấp.
Tại cuộc họp, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế mô hình bệnh viện dã chiến phòng dịch bệnh truyền nhiễm, ghi nhận sự cố gắng của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện Nhiệm vụ theo đề cương đã được phê duyệt.
Các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đã đánh giá những ưu điểm và những hạn chế, thiếu sót của báo cáo tổng kết và các sản phẩm của nhiệm vụ, từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp: cần làm rõ cơ sở tính toán quy mô bệnh viện dã chiến và các giải pháp xây dựng bệnh viện dã chiến; bổ sung nội dung thiết kế kiến trúc bệnh viện dã chiến phù hợp với điều kiện khí hậu vùng miền; bổ sung các quy định của Bộ Y tế về phòng chống bệnh truyền nhiễm...
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Lê Minh Long đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm Nhiệm vụ, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu Nhiệm vụ khoa học công nghệ do nhóm nghiên cứu thuộc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP thực hiện, với kết quả đạt loại Khá.