Ngày 14/01/2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình quy hoạch đô thị theo phương pháp thu gom - chỉnh đất cho các đô thị trực thuộc tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, mã số RD 01-18, do Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu
Tại Hội đồng, TS.KTS Phạm Anh Tuấn - chủ nhiệm đề tài cho biết: thu gom - điều chỉnh đất là quá trình gom đất của các chủ sử dụng đất khác nhau, tạo thành một lô đất rộng hơn để có thể điều chỉnh, phát triển theo một kế hoạch, dịch vụ khai thác quỹ đất hiệu quả. Thực chất đây là giải pháp tập trung đất cho công tác phát triển và chỉnh trang đô thị. Phương pháp thu gom - điều chỉnh đất đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại nhiều lợi ích trong quy hoạch, tái phát triển đô thị, trong đó lợi ích lớn nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chất lượng không gian sống của người dân, đặc biệt về không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị.
Hiện nay thu gom - điều chỉnh đất được coi là một phương án khác so với cơ chế thu hồi đất vốn rất tốn kém, khó khăn đang phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thực tế này đang mở ra nhu cầu về các biện pháp tập trung đất có sự tham gia và đồng thuận tốt hơn từ các bên. Thu gom - điều chỉnh đất là một phương án hấp dẫn, do dựa vào sự đồng thuận và đóng góp của cộng đồng, làm giảm sức ép đối với ngân sách nhà nước. Việc thu gom và điều chỉnh đất sẽ nâng cao hơn giá trị đất và chất lượng cuộc sống của người dân đô thị, thông qua hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được cải thiện đạt chuẩn.
Đề tài có mục tiêu xây dựng giải pháp thực hiện quy hoạch theo phương pháp thu gom điều chỉnh đất, và được nhóm tác giả triển khai thực hiện dựa vào kinh nghiệm nghiên cứu, hướng dẫn triển khai cho dự án thí điểm về thu gom - điều chỉnh đất ở thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).
Nội dung báo cáo tổng hợp kết quả đề tài gồm 3 chương. Ở chương 1 - “Tổng quan về quy hoạch các đô thị trực thuộc tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và phương pháp thu gom - điều chỉnh đất”, nhóm tác giả làm rõ một số khái niệm liên quan đến thu gom - điều chỉnh đất, là công cụ hữu hiệu trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị; đề cập thực trạng phát triển một số đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long; khả năng áp dụng phương pháp thu gom - điều chỉnh đất tại khu vực này. Trong chương 2 - “Cơ sở khoa học về phương pháp thu gom –đ iều chỉnh đất”, nhóm tác giả trình bày cụ thể cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận; mô hình và các lĩnh vực tham gia của phương pháp thu gom - điều chỉnh đất trong quy hoạch đô thị; cơ sở tính toán tỷ lệ góp đất trong dự án; các yếu tố tác động; cơ sở thực tiễn và lựa chọn giải pháp thu gom - điều chỉnh đất phù hợp với thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long…Trong chương 3 - “Đề xuất giải pháp thực hiện phương pháp thu gom - điều chỉnh đất cho các đô thị trực thuộc tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, các tác giả đã đề xuất mô hình và quy trình thực hiện dự án thu gom - điều chỉnh đất; xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai và thực hiện dự án thu gom - điều chỉnh đất; xây dựng mô hình dự án thí điểm thu gom - điều chỉnh đất, từ khởi xướng dự án đến lập báo cáo khả thi.
Nhận xét về đề tài, hai ủy viên phản biện là TS.KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và TS.KTS. Tạ Quốc Thắng - Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cùng các thành viên Hội đồng đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc, công phu của nhóm tác giả. Cùng với kết quả nghiên cứu được thể hiện trong báo cáo tổng hợp (bao gồm lập dự án thí điểm tại Trà Vinh với quy mô 4.02 ha theo cơ chế thu gom - điều chỉnh đất), nhóm tác giả đã công bố 02 bài báo trên tạp chí có giá trị khoa học cao. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đưa ra một số vấn đề trao đổi thêm với nhóm thực hiện đề tài: cần làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi nghiên cứu cho phù hợp với tên của đề tài; làm rõ hơn khả năng áp dụng phương pháp thu gom - điều chỉnh đất tại các đô thị Việt Nam nói chung, tại các đô thị trực thuộc tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng (các yếu tố tác động chính vào khả năng áp dụng phương pháp này tại Việt Nam như thể chế, kinh tế - xã hội, trình độ và nhận thức của người dân…).
Đề tài “Xây dựng mô hình quy hoạch đô thị theo phương pháp thu gom - điều chỉnh đất cho các đô thị trực thuộc tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long” do nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, với kết quả xếp loại Khá.