Đặt người dân là trung tâm, được thụ hưởng thành quả trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 10/07/2024 16:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chiều 9/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về đề nghị công nhận Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/TL

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết, căn cứ hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nội dung lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị TP. Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024 được thực hiện với 9 câu hỏi (theo mẫu số 07).

Địa bàn lấy ý kiến các hộ gia đình ở khu dân cư trên địa bàn các xã; không lấy ý kiến đối với các hộ gia đình thuộc địa bàn thị trấn.

Về phương thức, hình thức lấy ý kiến, Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã và các xã tiến hành lấy ý kiến người dân trên địa bàn.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, các xã căn cứ vào tình hình thực tế, hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận các thôn chủ trì, phối hợp với các Chi hội, Chi đoàn tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân trong thôn về đề nghị TP. Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông hôn mới năm 2024 bằng 2 hình thức như sau: Phân công cán bộ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn các hộ gia đình ghi phiếu trả lời các câu hỏi và thu phiếu trực tiếp tại các hộ; tổ chức họp khu dân cư, phát phiếu và xin ý kiến đại diện các hộ gia đình.

Thời gian lấy ý kiến sẽ, xong trước ngày 25/7/2024 kể từ khi lấy ý kiến đến khi tổng hợp hoàn thiện kết quả lấy ý kiến.

Theo đó, thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân sẽ được tiến hành 4 bước:

Bước 1: Sau khi có kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân trên địa bàn các huyện, thị xã.

Bước 2: Ủy ban MTTQ các xã, huyện, thị xã phối hợp với Ban Chỉ đạo cùng cấp thống nhất cách thức, thời gian thực hiện; phân bổ phiếu cho các thôn và triển khai cho Ban Công tác Mặt trận ở các thôn tiến hành lấy ý kiến các hộ gia đình.

Bước 3: Ban Công tác Mặt trận chủ trì cùng các đoàn thể tổ chức lấy ý kiến thông qua tổ chức họp dân hoặc phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn hộ gia đình ghi phiếu trả lời câu hỏi và nhận phiếu từ các hộ gia đình.

Bước 4: Tổng hợp kết quả về đề nghị TP. Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2024.

Về tỷ lệ lấy phiếu: Đối với cấp huyện, mỗi huyện chọn 30% số xã, mỗi xã chọn 50% số khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 70% số hộ gia đình đê lấy ý kiến.

Đối với thị xã, lấy 100% các xã trên địa bàn, mỗi xã chọn 50% số khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 70% số hộ gia đình để lấy ý kiến. Theo đó, TP triển khai lấy ý kiến tổng số 136.277 hộ trên địa bàn 401 khu dân cư của 121 xã thuộc 18 huyện, thị xã.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh thời gian triển khai và hoàn thành việc lấy ý kiến rất gấp rút, các đơn vị phải lan tỏa tinh thần đến từng người dân, đặc biệt, đội ngũ cán bộ Mặt trận phải cùng Thành phố vào cuộc để hoàn thành mục tiêu này.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/TL

Các đơn vị cần tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phân công rõ việc; trong đó, Mặt trận phải triển khai rất quyết liệt trong công tác hướng dẫn kỹ, đầy đủ, đảm bảo kế hoạch và quy trình, yêu cầu đặt ra; đôn đốc thường xuyên, giám sát việc thực hiện.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền về kết quả xây dựng Nông thôn mới, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Từ đó, thôi thúc khát vọng cống hiến của mỗi người dân, mỗi gia đình tại mỗi địa phương, đơn vị về đóng góp nguồn lực, ý tưởng cho công tác xây dựng Nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương cũng lưu ý, trong triển khai thực hiện phải bảo đảm khách quan, toàn diện trong trong lựa chọn khu vực, hộ gia đình, địa bàn về lấy phiếu; phải đặt người dân là trung tâm và được thụ hưởng thật thành quả trong xây dựng Nông thôn mới, tránh tình trạng nợ tiêu chí, không thực chất, bệnh thành tích.

Đặc biệt, phải tập hợp được bức tranh toàn cảnh nông thôn mới ở từng địa phương để có ý kiến đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương đó trong các lĩnh vực cần quan tâm, chú trọng.

TP. Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn Nông thôn mới; có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã trình Bộ NN&PTNT, phấn đấu trong tháng 7/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Các huyện Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín đã được Đoàn thẩm tra đánh giá đủ điều kiện, hiện nay đang phối hợp với sở ngành Thành phố hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phối hợp với UBMTTQ Thành phố để lấy ý kiến hài lòng của người dân; phấn đấu báo cáo Thành phố trong tháng 8/2024

Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thành phố thêm 8 xã kiểu mẫu và 2 xã nâng cao, phấn đấu công nhận trong tháng 7/2024.

Theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đến nay, Hà Nội có 8/8 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)