Hà Nội: Tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng

Thứ hai, 20/07/2015 13:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tính đến hết quý I-2015, huyện Đan Phượng có 13 xã, thị trấn được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); đồng thời, là một trong những địa phương dẫn đầu thành phố với tỷ lệ lao động thường xuyên có việc làm đạt hơn 94%.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Đan Phượng bắt Tay Vào xây dựng NTM, bằng quyết tâm và những sáng kiến táo bạo từ chính nguồn nội lực của mình, đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện hiện ở mức bình quân hơn 10%/năm là kết quả rất đáng tự hào mà Đan Phương có được trong việc chuyển dịch kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong liên kết sản xuất, lấy giá trị kinh tế làm mục tiêu phấn đấu và lấy sản xuất hàng hóa làm nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, xây dựng được cơ cấu mùa vụ hợp lý, đồng thời hình thành những vùng sản xuất tập trung như: sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 100 ha tại xã Phương Đình; sản xuất hoa, cây cảnh tại xã Hạ Mỗ, Tân Lập, Song Phượng; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Thọ Xuân, Hồng Hà... Ngoài việc xây dựng quy hoạch chi tiết diện tích đất nông nghiệp và phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, huyện còn chủ động phát triển và quy hoạch lại các khu công nghiệp hiện có trên địa bàn. Đến nay, Đan Phượng đã có một khu công nghiệp tập trung với diện tích 35,8 ha. Bên cạnh đó là năm cụm công nghiệp nhỏ lẻ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các huyện lân cận.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong khơi thông nội lực hiện có, đến nay mức thu nhập bình quân đầu người trên toàn huyện đã đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,2%. Đây chính là kết quả khiến người dân Đan Phượng cảm thấy ấm lòng và vững tin vào xây dựng NTM.

Bà Nguyễn Thị Sâm xã Song Phượng cho hay: "NTM đã giúp cho gia đình bà và nhiều hộ dân trong xã tự tin phát triển kinh tế. Nhờ có giao thương thuận lợi nên rau an toàn sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi năm trừ chi phí, hai sào rau sạch của gia đình bà cho thu nhập lên đến gần trăm triệu đồng".

Không chỉ có gia đình bà Sâm hưởng lợi từ NTM, gia đình anh Chiến (xã Phương Đình) cũng mạnh dạn phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Anh cho chúng tôi biết về những thuận lợi mà NTM đem lại, đó chính là một phương thức sản xuất khép kín theo mối "liên kết bốn nhà" giúp anh và nhiều hộ nông dân khác tránh được những rủi ro về dịch bệnh và sự bấp bênh của giá cả.

Gắn mục tiêu phát triển kinh tế với từng bước nâng cao đời sống của người dân, đã giúp cho Đan Phượng giàu thêm nhờ nguồn nội lực của mình. Xác định giao thông đi trước một bước, huyện đã hoàn thành thi công sáu tuyến đường liên xã dài 12,8 km, gần 20 km đường trục thôn và 136,7 km đường trục ngõ, xóm. Bên cạnh đó là làm mới hơn 80 km đường trục chính nội đồng, gần 150 km hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu cho hơn 3.000 ha. Không chỉ dừng lại ở việc làm mới những con đường và hệ thống kênh mương nội đồng, Đan Phượng còn bắt tay cải tạo, nâng cấp đường dây điện trung thế, các trạm biến áp bảo đảm cấp điện ổn định cho 99% số hộ dân trên địa bàn. Ngoài các công trình phục vụ sản xuất, huyện còn chú trọng đầu tư hệ thống trường học, nhà văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Chính vì vậy, tại Đan Phượng phong trào hiến đất làm đường của nhiều người dân đã góp phần tạo ra nguồn lực và tiền đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của địa phương.

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và việc đẩy mạnh xây dựng NTM đã giúp Đan Phượng bừng lên một "sức sống mới"- sức sống của một vùng đất có bề dày lịch sử đáng tự hào, cho dù chặng đường từ nay đến đích 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM ở Đan Phượng vẫn còn nhiều việc phải làm.


Theo Báo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)