Lấy ý kiến Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình kỳ họp HĐND sắp đến

Thứ năm, 23/03/2023 14:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 21-3, Ban Đô thị HĐND thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về nội dung “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” làm cơ sở để tổng hợp báo cáo thẩm tra trình Kỳ họp thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sắp đến. Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến chủ trì hội nghị.

Dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tổng quát xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5- 10%/năm, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200-220 triệu đồng/người (tương đương 8.000-8.500 USD); mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 11-12%/năm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 9-10%/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 800 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 90%. Tốc độ tăng tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt 17,5-18%/năm; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt 12,5-13%/năm; cụm ngành logistics chiếm khoảng 10% GRDP; kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP…

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững; là trung tâm du lịch quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của thành phố trong giai đoạn 2021-2030 là 9,5%: đồng thời cho rằng, việc quy định khoảng cách giữa Sân bay Đà Nẵng và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phải hơn 15km, khoảng cách giữa Sân bay Đà Nẵng với khu đa dạng sinh học phải hơn 13km là không phù hợp. Đặc biệt, cần bổ sung phương án, kịch bản ứng phó với ngập lụt khi mưa lớn, mưa cực đoan và bổ sung khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vào vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. Các đại biểu cũng đề xuất bổ sung các công trình giao thông trọng điểm, giao thông khối lượng lớn, giao thông ngầm… vào quy hoạch.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nêu rõ mục tiêu xây dựng huyện Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025 và lộ trình thực hiện; quy hoạch chung và các quy hoạch ngành cần quan tâm đến khu vực phía tây thành phố với các giải pháp để đạt được những mục tiêu về hạ tầng như giao thông, thoát nước… “Mục tiêu của Đà Nẵng là hướng đến đô thị sinh thái, do vậy cần bổ sung nguyên tắc lập quy hoạch theo hướng sinh thái cũng như làm rõ nét hơn về công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nêu ý kiến.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Chánh thống nhất điều chỉnh quy hoạch huyện Hòa Vang thành đô thị loại 4 và thị xã, đồng thời cho rằng, cần thông tin rõ về số lượng tiêu chí đã đạt được cũng như chưa đạt được để thành phố tập trung đầu tư, giúp cho Hòa Vang đạt mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Phạm Tấn Xử đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù để phát triển công nghiệp văn hóa, làm cơ sở để Sở Văn hóa - Thể thao xây dựng các kế hoạch, chương trình thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển.

Tham gia góp ý tại hội thảo, Bí thư Quận ủy Hải Châu Trần Thắng Lợi đề xuất quy hoạch khu vực chợ đầu mối Hòa Cường sau khi di dời theo hướng dành quỹ đất phục vụ các dự án tái thiết đô thị tại khu vực trung tâm thành phố; quy hoạch bãi đỗ xe khu vực phía trước Nhà hát Trưng Vương phục vụ khách tham quan khu vực trung tâm thành phố. “Đề nghị bổ sung giải pháp đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông trên tuyến đường sắt sau khi di dời ga đường sắt hiện hữu ra khỏi trung tâm thành phố; bổ sung nhiệm vụ, giải pháp kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án tái thiết đô thị. Đồng thời, thành phố cần quyết tâm kêu gọi nhà đầu tư triển khai dự án Trung tâm quận tài chính tại khu công nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, Bí thư Quận ủy Hải Châu đề xuất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp, đề xuất của đai biểu tham dự, đồng thời cho biết Ban Đô thị sẽ tổng hợp đưa vào báo cáo thẩm tra dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình kỳ họp HĐND thành phố sắp đến thông qua nhằm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn: Danang.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)