Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thành phố Pleiku.
Gia Lai là tỉnh miền núi, nằm ở khu vực phía Bắc của vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước cùng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Gia Lai cũng là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa của con người Tây nguyên.
Nhiều năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa-cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, khai thác lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội; giữ vững quốc phòng-an ninh; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 gấp 1,65 lần so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 7,83%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng trung bình hằng năm 7,77%. Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh gấp 1,48 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 13,95%.
Cùng với đó, hệ thống các đô thị của tỉnh được hình thành và phát triển làm thay đổi diện mạo của một tỉnh miền núi. Trong đó, thành phố Pleiku, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai, được ưu tiên phát triển, trở thành đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên.
Hơn 90 năm qua, kể từ ngày thành lập đô thị Pleiku (1929), nhân dân thành phố Pleiku đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng chống thực dân, đế quốc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm gần đây, thành phố Pleiku tiếp tục đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Kinh tế tăng trưởng nhanh, trung bình hơn 13%/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh và toàn vùng Tây Nguyên. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, không gian đô thị được mở rộng với nhiều công trình dịch vụ công cộng, góp phần nâng cao chất lượng đô thị. Kiến trúc cảnh quan đô thị được chú trọng đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào Tây Nguyên. Công tác xây dựng nhà ở được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu cải thiện nhà ở cho người dân.
Qua đó, thành phố Pleiku đã khẳng định được vai trò và vị thế của một đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên; là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai và toàn vùng; đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Với những kết quả nổi bật, đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị, thành phố Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020.
Phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại 1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu sau khi trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương những nỗ lực vượt bậc và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku đã đạt được trong những năm qua.
Phó Thủ tướng cho rằng, sự kiện thành phố Pleiku trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai là dấu mốc quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
“Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố Pleiku phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị, xứng đáng với vai trò là đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh”, Phó Thủ tướng nói.
Để tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới, phát huy vai trò là một trong những đô thị trung tâm khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương và toàn vùng gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. “Trên cơ sở tái cấu trúc, phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Đồng thời, đẩy nhanh việc lập Quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, gắn với quy hoạch vùng Tây Nguyên và các quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch. “Sau khi có quy hoạch, phải xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn, xác định rõ các công trình, dự án quan trọng có ý nghĩa động lực để ưu tiên huy động ngưồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phong trào; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ và đề nghị trước mắt, tỉnh Gia Lai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành Trung ương để xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành phố Pleiku tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống chỉ tiêu đô thị loại I, nhất là các chỉ tiêu mới đạt ở mức còn thấp; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, đầu tư xây dựng, trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan thành phố Pleiku; xây dựng thành phố Pleiku xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.
“Phải đặc biệt quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu trong quá trình phát triển đô thị, phải chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; xây dựng thành phố Pleiku trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Cơ chế hấp dẫn để thu hút nguồn lực đầu tư
Biểu diễn văn nghệ tại lễ công bố quyết định thành phố Pleiku là đô thị loại I. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, tỉnh Gia Lai cần chủ động xây dựng cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển đô thị. “Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Thực hiện tốt chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để người dân đồng thuận và ủng hộ”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt là nguồn nhân lực cho quản lý và phát triển đô thị. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị; bảo đảm sự hài lòng của người dân với chính quyền đô thị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh cần quan tâm, chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, không để tạo ra các điểm nóng về trật tự, an toàn xã hội. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng tạo môi trường chính trị-xã hội ổn định để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
“Tại sự kiện này, tôi đề nghị các bộ, ban, ngành của Trung ương tạo mọi điều kiện ủng hộ, giúp đỡ thành phố Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung hoàn thành tốt những mục tiêu kế hoạch đã đề ra, đưa thành phố Pleiku và tỉnh Gia Lai sớm phát triển trở thành động lực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên”, Phó Thủ tướng nói.