Bà Rịa - Vũng Tàu bứt phá phát triển bền vững

Thứ năm, 05/03/2020 11:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp, tác động tích cực đến toàn vùng và cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở thời điểm “vàng”, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá trong những năm tiếp theo...

Một góc TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hôm nay.

Vì lợi ích của người dân

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ 6, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: “Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch”. Cụ thể hóa Nghị quyết, nhiều chương trình, kế hoạch đã được tỉnh triển khai sát thực tế; các công việc đang tiến triển đúng tiến độ, các chỉ tiêu ước thực hiện trong 5 năm phần lớn đều đạt và vượt. Theo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, các chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp (trừ dầu khí), năm sau cao hơn năm trước; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm khoảng 85% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại tỉnh thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại hơn. Các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được tập trung phát triển, toàn tỉnh hiện có hơn 20 dự án hoạt động về lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao và hơn 70 cơ sở hoạt động về công nghiệp hỗ trợ. Nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn đang xây dựng. Riêng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,12%, đạt mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Dịch vụ cảng biển và hậu cần cảng từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tính từ năm 2016 đến nay, thêm bốn cảng biển hoàn thành, nâng tổng số cảng biển đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 47/69 cảng, tổng công suất thiết kế đạt 137 triệu tấn/năm, trong đó có bảy cảng công-ten-nơ với công suất 75,46 triệu tấn/năm. Số lượng tàu công-ten-nơ vào làm hàng tăng từ chín chuyến/tuần (năm 2015) lên 23 chuyến/tuần, đi từ Cảng Cái Mép - Thị Vải đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Đông Bắc Á. Tổng khối lượng hàng hóa trực tiếp thông qua cảng giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 70 triệu tấn/năm, tăng 12%/năm.

Nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khai thác tốt thế mạnh của vùng đất nằm ven bờ Biển Đông, có Côn Đảo nổi tiếng và nhiều phong cảnh “sơn thủy hữu tình” để phát triển du lịch. Tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, trong đó chú trọng liên kết với các địa phương trong nước và nước ngoài để khai thác các tua du lịch đến với tỉnh. Hạ tầng du lịch phát triển nhanh theo hướng nâng cao chất lượng. Từ năm 2016 đến nay, đã đưa vào khai thác, kinh doanh nhiều công trình, dịch vụ du lịch lớn, như: khách sạn Pullman, khách sạn Malibu, Melia Resort Hồ Tràm, Marina Bay Vung Tau,... Sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao tại một số địa phương trong tỉnh cũng được nhiều du khách lựa chọn… Nhờ đó, vài năm gần đây, lượng khách lưu trú tăng bình quân 14,3%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 14%/năm…

Kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi để Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 35 nhiệm vụ, đề án, chương trình cụ thể được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Toàn tỉnh đã có 34/45 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) với mức thu nhập bình quân hơn 46,7 triệu đồng/người/năm. Thực tế cũng cho thấy, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến và đạt một số kết quả bước đầu tại một số địa phương. Đến nay, có 42 tổ chức, cá nhân đã và đang đầu tư mô hình sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) với diện tích sản xuất 2.816 ha; 7.454 ha cây lâu năm áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 131 trang trại nuôi heo, gia cầm đầu tư UDCNC và 15 cơ sở nuôi tôm với diện tích 280 ha UDCNC...

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: Lãnh đạo tỉnh luôn nhận thức sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm đặt lợi ích của người dân lên cao nhất trong mỗi quyết định, chủ trương. Trong đó, luôn kiên định phương châm thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường; bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế đi đôi với quan tâm vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…

Thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2019 có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 27 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,35 tỷ USD; nâng nguồn FDI tại tỉnh lên 384 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 28 tỷ USD. Trong năm 2019, DN trong nước cũng đăng ký khoảng 28.889 tỷ đồng, nâng nguồn đầu tư trong nước lên 569 dự án với tổng vốn đăng ký 289.756 tỷ đồng. Tư duy đổi mới thu hút đầu tư của tỉnh đang phát huy hiệu quả, nhất là quy mô dự án và sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm hơn 6,2 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với giai đoạn 2011-2015 (2,54 tỷ USD). Ước đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 415 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 29,55 tỷ USD từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong giai đoạn này, một số tập đoàn lớn của quốc tế đã đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu như: Marubeni, Hyosung, Austal, CJ Cheiljedang, Sojitz, Nitori. Một số dự án có quy mô vốn lớn đang hiện diện như: Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép tại Việt Nam (115 triệu USD); Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam (1,2 tỷ USD); Nhà máy kính nổi siêu trắng (110 triệu USD); Nhà máy sản xuất giấy Marubeni (211 triệu USD); Nhà máy sản xuất cà-phê hòa tan Marubeni (115 triệu USD),...

Cũng theo Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký mới và tăng thêm 82.127 tỷ đồng; ước đến cuối năm 2020, có 605 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 307.606 tỷ đồng. Một số dự án quy mô lớn được cấp phép đầu tư trong giai đoạn này, như: Nhà máy sản xuất hạt nhựa polypropylene Phú Mỹ (13.466 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ mầu và ống thép mầu có quy mô 600 nghìn tấn/năm (1.675 tỷ đồng); Nhà máy điện mặt trời Khu công nghiệp Châu Đức (1.060 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gạch ốp lát gốm sứ granite (1.100 tỷ đồng); Kho tiếp nhận khí LNG và tái hóa khí thiên nhiên Hải Linh (4.971 tỷ đồng); Cảng tổng hợp Cái Mép (2.000 tỷ đồng); Khu phức hợp Cap Saint Jacques (1.294 tỷ đồng)...

Các dự án đều được UBND tỉnh, các ngành cân nhắc về các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn tuyệt đối nguồn nước, công nghệ sản xuất phải hiện đại khi xem xét chủ trương đầu tư. Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết thêm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, các quyết định làm định hướng và cơ sở để thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp UDCNC.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thị Thu Hiền cho biết, năm 2017, Tỉnh ủy đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Từ đó, nhiều chương trình, kế hoạch được tiếp tục triển khai thực hiện, chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, khác biệt, có tính lan tỏa và có sức cạnh tranh gắn với chất lượng cao để củng cố và tạo thương hiệu du lịch đặc thù của tỉnh. Thông qua nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tỉnh thúc đẩy tiến độ các dự án du lịch trọng điểm làm đòn bẩy cho ngành “công nghiệp không khói” tăng trưởng. Riêng năm 2019, khách du lịch đến tỉnh đạt 15,55 triệu lượt, tăng 15,19% so với năm 2018; tổng thu từ khách du lịch đạt 16.558 tỷ đồng, tăng 16,16% so năm trước…

Bứt phá trong giai đoạn “vàng”

Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công, đi vào hoạt động; giao thông kết nối giữa hệ thống Cảng Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu với khu vực tiếp tục được hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tính sẵn sàng trong tiếp nhận đầu tư của tỉnh đang đáp ứng tốt yêu cầu đề ra…, đây là những mấu chốt quan trọng để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá đang ở giai đoạn “vàng”, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá trong những năm tiếp theo.

Theo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội… Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy xã hội hóa, phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, sẽ tập trung đấu giá các khu đất công để có nguồn vốn đầu tư hạ tầng, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn; sớm hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án trọng điểm nhằm tạo nền tảng phát triển vững chắc.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực kiến tạo, xây dựng một môi trường đầu tư tốt nhất, tích cực nhất; quyết tâm gỡ bỏ các yếu tố trì trệ, nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức; tiếp tục kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi, lựa chọn những DN, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện những dự án lớn, tạo sức lan tỏa ở năm ngành kinh tế mũi nhọn là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp UDCNC.

Đồng thời, tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xem đây là nhiệm vụ then chốt để tạo lập, củng cố niềm tin cho DN, nhà đầu tư. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, DN; kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực, không thực hiện hết trách nhiệm được giao. Tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương trong khu vực, như cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phát triển hệ thống cảng thủy nội địa và kho bãi chung quanh hệ thống sông nội địa quanh Cảng Cái Mép - Thị Vải. Thúc đẩy việc đầu tư tuyến đường sắt kết nối Cảng Cái Mép - Thị Vải về hệ thống ga hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)