Phản biện Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020

Thứ tư, 19/06/2013 07:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dưới sự chủ trì của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, gần 200 nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ mặt trận đã tham gia phản biện "Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030". Theo đó, quan điểm xuyên suốt của các chuyên gia, nhà khoa học là không nên chạy theo số lượng, phải phát triển đồng bộ nhà ở và công trình hạ tầng gắn với dịch vụ văn hóa, xã hội.

Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020 cần tập trung xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các dịch vụ văn hóa - xã hội.

Trong 10 năm (2000-2010), Hà Nội xây dựng được 16 triệu mét vuông sàn nhà ở (bình quân 1,5 triệu mét vuông/năm); năm 2011 xây dựng được 3 triệu mét vuông sàn nhà ở. Theo thống kê năm 2011, toàn thành phố có bình quân diện tích nhà ở 21,5m2/người, cao hơn mức bình quân cả nước là 18,6m2/ người. Tuy nhiên, do việc phân bố không đồng đều, giá cả luôn biến động, tăng cao, một bộ phận dân cư vẫn rất khó tiếp cận nhà ở…

Bên cạnh đó, tại phần lớn các khu đô thị, do chạy theo lợi nhuận, chủ đầu tư chỉ quan tâm phát triển nhà ở để thu lợi nhanh, dẫn tới bất cập về hạ tầng đô thị. Đất dành cho đường giao thông, bãi đỗ xe, trường học, chợ, công trình công cộng, cây xanh, hệ thống thoát nước… đều quá ít. Chất lượng nhà ở tuy được cải thiện nhưng chưa bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Chung cư cũ phần lớn đã xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật đang đòi hỏi cấp bách phải được cải tạo, xây dựng lại.

Các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị, trong Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 cần quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, Luật Thủ đô và một số quy hoạch chuyên ngành khác; bảo đảm song song phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, chương trình cần đặc biệt chú ý đến việc cải thiện nhà ở khu vực nông thôn mới. Thành phố cần có chính sách giám sát chặt chẽ, xử lý kiên quyết, kịp thời các sai phạm trong xây dựng khu đô thị mới; quyết liệt trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung; bảo đảm hài hòa phát triển mới nhà ở với cải tạo chung cư cũ, bảo tồn khu vực đặc thù.

Đồng tình với ý kiến trên, GS,TS Phạm Ngọc Đăng, (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nhấn mạnh, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển hạ tầng xã hội (trường học, trạm y tế, sân chơi cho trẻ em), bảo vệ môi trường, xử lý nước thải; có chế tài buộc chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Còn TS Đinh Hạnh (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, để khắc phục tình trạng, số lượng nhà ở tăng, biệt thự, chung cư nhiều nhưng nhiều người dân vẫn thiếu nhà ở, sống chật chội…, cần có chính sách cụ thể thực hiện nhà ở cho người nghèo.

Nhiều ý kiến đề nghị, Hà Nội nên học tập các nước tiên tiến, khuyến khích, mở rộng, đa dạng hóa các mô hình nhà ở cho thuê, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, trong đó có người thu nhập thấp, sinh viên, công nhân… Theo TS Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội Hà Nội, không chạy theo số lượng mà cần phát triển hài hòa, đề ra lộ trình cụ thể bảo đảm giải quyết cơ bản nhà ở cho nhân dân Thủ đô vào năm 2020. Để làm được việc này, thành phố cần tập trung tái cấu trúc sản phẩm nhà ở chứ không phải đa dạng hóa sản phẩm như dự thảo chương trình đề cập.

Nhà ở có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Để thỏa mãn nhu cầu đa dạng về chất lượng sống của người dân Thủ đô, chương trình về nhà ở giai đoạn 2012-2020 của thành phố cần nghiên cứu kỹ lưỡng thực trạng, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu khả thi trong thực tiễn. Trong đó, những ý kiến đóng góp xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học là kênh quan trọng để nghiên cứu, tìm ra biện pháp tổ chức thực hiện khả thi.

Theo : Báo Hà Nội Mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)