Quy hoạch xây dựng Thành phố Thái Nguyên mang đậm bản sắc vùng, miền

Thứ ba, 16/10/2012 15:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm hướng tới sự phù hợp với tính chất, chức năng, quy mô của đô thị loại I và thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Thái Nguyên và vùng Trung du miền núi Bắc bộ - việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến 2035, đang được Đảng bộ, chính quyền nơi đây coi là nhiệm vụ mang tính đột phá.

TP Thái Nguyên được thành lập ngày 19/10/1962, hiện có 28 đơn vị hành chính, bao gồm 19 phường và 9 xã. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, TP Thái Nguyên đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, nâng cao, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo, các hoạt động du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư được đẩy mạnh.

Những thành tựu đó có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của tỉnh và của vùng trung du miền núi Bắc bộ. Chính vì vậy, cần có định hướng cho phát triển đô thị của TP vừa phù hợp với lịch sử, tiềm năng, nguồn lực của TP vừa phù hợp với xu thế chung của hội nhập trong nước và quốc tế.

Mục tiêu mà quy hoạch xây dựng TP Thái Nguyên hướng tới mang đậm bản sắc vùng, miền, hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình tự nhiên để giữ gìn bản sắc kiến trúc của vùng miền núi và trung du phía Bắc, khai thác cảnh quan đẹp hai bên bờ sông Cầu. Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định: Tổ chức lập và thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên đến năm 2035 để thực hiện những điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thái Nguyên và TP Thái Nguyên trong giai đoạn mới, đề xuất các giải pháp gia tăng các giá trị di sản, hình thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia, phát triển không gian một cách hài hòa, nâng cao tính khả thi, phù hợp với xu hướng quy hoạch và các mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng; làm cơ sở để tập trung mọi nguồn lực, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác đầu tư và xây dựng cho đô thị. Cụ thể phát triển mở rộng không gian đô thị TP Thái Nguyên theo các hướng như sau:

Phía bắc: Là cửa ngõ đi các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn và Cao Bằng, mở rộng đến hết xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương). Xây dựng KCN tập trung để di chuyển một số nhà máy, xí nghiệp nằm rải rác trong nội thành gây ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phía nam: Phát triển đến hết xã Lương Sơn, xây dựng các KDC mới, kết hợp với cải tạo các KDC hiện có, dành quỹ đất phía đông giáp sông Cầu của xã để xây dựng khu du lịch sinh thái.

Phía tây: Xây dựng KĐT phía tây TP, khu công viên cây xanh TDTT cấp vùng gắn với khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc.

Phía đông: Mở rộng trên cơ sở địa giới hành chính của thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình). Lấy sông Cầu là trục chính của không gian đô thị để khai thác cảnh quan dọc theo 2 bên bờ sông và nâng cao chất lượng môi trường đô thị. Phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, công viên cây xanh, vui chơi giải trí… hạn chế xây dựng tập trung để đảm bảo thoát lũ sông Cầu và tạo động lực phát triển cho trục hành lang kinh tế đông - tây TP Thái Nguyên.

Cải tạo chỉnh trang các khu phố hiện có phù hợp với quy hoạch được duyệt; các KĐTM được xây dựng hiện đại nhưng phù hợp với bản sắc văn hoá vùng trung du. Quản lý và thực hiện việc đầu tư xây dựng các KĐTM, khu dân cư mới, khu tái định cư phải đồng bộ, có hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân đảm bảo tiêu chí văn minh, hiện đại, bên vững và thân thiện với môi trường. Quản lý chặt chẽ về mặt thẩm mỹ kiến trúc, khống chế tầng cao, hình khối, màu sắc, kiểu dáng của các công trình xây dựng nhưng cũng không gò ép, tránh đơn điệu, nhàm chán… Quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở để gắn kết phù hợp với các khu SXKD, công sở làm việc và thông qua đó hạn chế khó khăn, tốn phí đi lại, hạn chế ách tắc, tai nạn giao thông… đồng thời nâng cao tiện nghi, công năng của các công trình kiến trúc (khu nhà ở, làm việc và dịch vụ hỗn hợp, nhà ở mặt phố kết hợp cửa hàng, công sở, hệ thống khách sạn, siêu thị, rạp hát…); Tại các phường trung tâm, xây dựng công trình cao tầng để tạo không gian kiến trúc hiện đại, tiết kiệm đất xây dựng và nâng mật độ dân cư, tạo điểm nhấn nhưng phải đảm bảo phù hợp với các công trình tiêu biểu của TP (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đài tưởng niệm, TTTM, Trung tâm TDTT, Trung tâm Hội nghị tỉnh, chợ Thái...). Tăng cường xây dựng và phát triển nhà ở theo hình thức chung cư để tăng mật độ cư trú, phát huy tối đa công năng của các công trình công cộng, đồng thời hạn chế tiến tới chấm dứt nhà chia lô trong khu vực nội thị. Tại các xã, xây dựng các công trình thấp tầng, chủ yếu là nhà vườn để khai thác cảnh quan tự nhiên, phù hợp với địa hình đồi núi trung du. Lập và thực hiện các dự án về phát triển hệ thống cây xanh đô thị: Công viên, vườn hoa, cây xanh đường phố, cây xanh công cộng… Lập và thực hiện các dự án về bảo vệ và tôn tạo cảnh quan các khu vực quan trọng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và tôn tạo cảnh quan đô thị…

Có thể nói, xây dựng và phát triển TP Thái Nguyên văn minh, hiện đại là nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn dân địa phương. Với những định hướng quan trọng về quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, sự quan tâm chỉ đạo, điều hành, tin tưởng rằng đô thị TP khang trang, văn minh, hiện đại sẽ được xây dựng thành công, góp phần đưa TP Thái Nguyên phát triển xứng đáng là đô thị loại I, đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của cả nước.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)