Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIII

Thứ tư, 27/01/2016 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 22/01, Bộ Xây dựng đã có công văn 138/BXD-HĐXD trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIII. Nội dung kiến nghị: “Cử tri ngành điện phản ánh, theo Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định: Chủ đầu tư được thẩm định phê duyệt các dự án chỉ phải lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở qua các Sở chuyên ngành (đối với công trình từ 110kv trở lên), sau đó chủ đầu tư tự thẩm định và phê duyệt dự án thì có thể chủ động được về tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành (Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP), đối với các dự án vay vốn ODA từ 5 tỷ đồng trở lên thì phải trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt từ bước thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán (TKBVTC-TDT); còn đối với các dự án vay vốn tín dụng thương mại thì các Sở chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở, TKBVTC-TDT và tổng dự toán (đối với công trình cấp II), quy định như vậy đã làm kéo dài thời gian phê duyệt dự án từ 30 ngày lên tới 90 ngày do phải thực hiện quá nhiều thủ tục, quy trình thẩm định. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 hoặc điều chỉnh theo hướng: phân cấp ủy quyền cho các đơn vị làm chủ đầu tư dự án tự chịu trách nhiệm về công tác thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và TKBVTC-TDT, chủ đầu tư chỉ xin ý kiến tham vấn các Sở chuyên ngành đối với các dự án trên địa bàn tỉnh/thành phố; đối với các dự án vay vốn tín dụng thương mại và vốn của doanh nghiệp, chủ đầu tư chỉ xin ý kiến tham vấn các Sở chuyên ngành về công tác quy hoạch và các vấn đề liên quan đến dự án, chủ đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định dự án và TKBVTC-TDT. Sau khi có kết quả thẩm định, phê duyệt, chủ đầu tư báo cáo kết quả lên Bộ hoặc Sở quản lý chuyên ngành để theo dõi và kiểm tra”.

- Thời gian thẩm định dự án đã được quy định tại Điều 59 Luật Xây dựng 2014, cụ thể như sau: Đối với dự án quan trọng quốc gia không quá 90 ngày; đối với dự án nhóm A không quá 40 ngày; đối với dự án nhóm B không quá 30 ngày; đối với dự án nhóm C không quá 20 ngày. Đối với văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng 2003 (Nghị định số 12/2009/NĐ-CP) thì thời gian thẩm định cũng như trên nhưng số ngày được tính là ngày làm việc, số ngày theo quy định của Luật Xây dựng 2014 là bao gồm cả những ngày nghỉ.

- Thời gian thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng được quy định cụ thể tại Khoản 8 Điều 30 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau: Không quá 40 ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt; không quá 30 ngày đối với công trình cấp II và cấp III.

- Thời gian thẩm định nêu trên được tính từ khi cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ. Quy trình thẩm định, danh mục hồ sơ và mẫu tờ trình đã được quy định cụ thể tại Điều 11, Điều 29, Điều 30 và phụ lục số II Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015.

Qua những nội dung nêu trên việc Cử tri ngành điện phản ánh đối với thời gian thẩm định đối với dự án có công trình cấp II là 90 ngày là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng.

Việc đề xuất giao cho chủ đầu tư tự thực hiện thẩm định là chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng 2014 và làm giảm trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với công trình xây dựng.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 138/BXD-HĐXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)