Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

Thứ sáu, 14/06/2013 15:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 12/6, Bộ Xây dựng đã có công văn 1145/BXD-TTr trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh. Nội dung kiến nghị:

“1. Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 26/2013/NĐ-CP), theo quy định về việc lập đội thanh tra chuyên ngành một số ngành như hiện nay như tên gọi và quy trình bổ nhiệm thanh tra cấp đội trưởng và đội phó; chế độ phụ cấp chức vụ cho các chức danh thanh tra cấp đội này.

2. Đề nghị xem xét và sửa đổi, bổ sung các quy định trong Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (sau đây viết tắt là Nghị định số 23/2009/NĐ-CP) vì: các quy định xử phạt hiện nay quá chung chung, chưa cụ thể hóa và đưa ra tỷ lệ sai sót cho phép; mức xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm như Khoản 1, Điều 24: quy định quá chung chung, không có phần viện dẫn, lý giải sẽ xử phạt theo từng mức như thế nào?; Khoản 3, Điều 29 cần xem lại cách định nghĩa và cách sử dụng câu từ còn chung chung, dẫn đến tình trạng có nhà thầu bị xử phạt cao gấp nhiều lần số tiền sai phạm. Vì vậy, cần nói rõ thế nào và có mức độ tỷ lệ % mức độ sai sót cho phép, vượt mức tỷ lệ % sai sót sẽ bị phạt…
”.

1. Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2013/NĐ-CP:

Để phù hợp với yêu cầu quản lý cũng như tình hình thực tế tại các địa phương đã và đang tồn tại các đội thanh tra xây dựng, được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV ngày 22/6/2005 của Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của thanh tra xây dựng ở địa phương (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV), khi soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép tổ chức các đội thanh tra xây dựng tại Tờ trình số 24/TTr-BXD ngày 07/6/2012.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra (sau đây viết tắt là Nghị định số 86/2011/NĐ-CP), chưa quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở và việc thành lập các đội thanh tra. Vì vậy, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đều có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc thành lập các đội thanh tra thuộc Thanh tra Sở Xây dựng. Riêng đối với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, do đặc thù phát triển xây dựng và đô thị hóa nhanh, khi chấm dứt việc thực hiện thí điểm thành lập lực lượng thanh tra xây dựng cấp huyện, cấp xã, cần thành lập các đội thanh tra trực thuộc Thanh tra Sở để đảm bảo tính cơ động, thường xuyên bám sát địa bàn cơ sở, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm trong hoạt động xây dựng.

Xuất phát từ lý do nêu trên, Nghị định số 26/2013/NĐ-CP mới quy định việc thành lập đội thanh tra thuộc Thanh tra Sở Xây dựng đặt tại địa bàn cấp huyện đối với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, để hướng dẫn Nghị định số 26/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Nội vụ để ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động của thanh tra xây dựng ở địa phương, thay thế Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV, trong đó sẽ quy định cụ thể các nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của đội thanh tra xây dựng.

2. Về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2009/NĐ-CP

Nghị định số 23/2009/NĐ-CP đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 126/2004/NĐ-CP trước đây như: xử lý kịp thời, triệt để hành vi vi phạm do có sự kết hợp giữa thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thủ tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị; tăng tính răn đe, bổ sung nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng; góp phần ổn định, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, sau 04 năm triển khai thực hiện, Nghị định bộc lộ một số hạn chế, cần thiết sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và những quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng mới được ban hành.

Thực hiện Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, trình Chính phủ ban hành. Bộ Xây dựng nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh đối với quy định tại Khoản 1, Điều 24 và Khoản 3, Điều 29 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Nghị định, cụ thể như sau:

- Bãi bỏ quy định tại Khoản 1, Điều 24 của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP trong dự thảo Nghị định, đồng thời bổ sung một số hành vi vi phạm trên cơ sở cụ thể hóa quy định tại Khoản 1, Điều 24 như: giải pháp thiết kế được lựa chọn chưa có chỉ dẫn kỹ thuật; thiết kế an toàn vượt quá tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước; tính toán cự ly vận chuyển không phù hợp cự ly vận chuyển thực tế làm tăng chi phí xây dựng đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước; không đưa các tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng sử dụng của thiết bị, vật tư, cấu kiện vào hồ sơ thiết kế.

- Sửa đổi quy định “Thực hiện thẩm tra không đúng quy định” tại Điểm b, Khoản 3, Điều 29 của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP thành “Thực hiện thẩm tra không đúng trình tự, thủ tục quy định”.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1145/BXD-TTr.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)