Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dự án đường hành lang ven biển phía Nam (GĐ1) sử dụng vốn vay EDCF của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long

Thứ sáu, 16/05/2014 15:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15/5, Bộ Xây dựng đã có công văn 956/BXD-KTXD gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long – Bộ Giao thông Vận tải về phươngpháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dự án đường hành lang ven biển phía Nam (GĐ1) sử dụng vốn vay EDCF.

Việc điều chỉnh giá, thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên và phù hợp với quy định của pháp luật tương ứng với từng thời kỳ. Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 08/2010/TT-BXD ngày 29/7/2010 của Bộ Xây dựng. Theo đó, đối với các hợp đồng xây dựng áp dụng phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng bằng công thức điều chỉnh giá (theo hệ số điều chỉnh), khi có sự khác biệt giữa đồng tiền thanh toán và đồng tiền sử dụng để tính toán chỉ số giá hoặc giá ( cụ thể trong trường hợp này đồng tiền sử dụng để tính toán chỉ số giá là đồng tiền Việt Nam trong khi đó đồng tiền thanh toán bằng đồng Korea Won của Hàn Quốc), thì khi điều chỉnh giá hợp đồng phải chuyển đổi đồng tiền cho phù hợp với tỷ giá tương ứng với từng thời kỳ.

Cụ thể đối với trường hợp Tổng công ty Cửu Long nêu tại văn bản số 1160/CIPM-QLDA5 ngày 04/4/2014 như sau:

Về nguyên tắc điều chỉnh giá hợp đồng:

Phải tôn trọng các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký về phương pháp, nguồn chỉ số giá áp dụng và các thỏa thuận có liên quan khác. Theo nội dung văn bản số 1160/CIPM-QLDA5:

Tại khoản 70.3 của các hợp đồng xây lắp, các bên đã thỏa thuận về: công thức điều chỉnh giá; nguồn chỉ số giá áp dụng cho yếu tố chi phí trong nước là của Tổng cục Thống kế Việt Nam (TCTK), Bộ Xây dựng hoặc cơ quan có thẩm quyền; cho yếu tố chi phí nước ngoài là của cơ quan thẩm quyền Hàn Quốc.

Tại khoản 72.1 của các hợp đồng xây lắp, đã quy định giá trị Hợp đồng gốc sẽ không thay đổi theo tỷ giá trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, công thức điều chỉnh giá được các bên thỏa thuận lại không tách biệt phần chi phí trong nước và phần chi phí nước ngoài. Việc áp dụng cùng một công thức cho cả 02 yếu tố chi phí trong nước và nước ngoài là chưa phù hợp. Vì vậy, đề xuất tách riêng các yếu tố chi phí trong nước và nước ngoài để để tính toán điều chỉnh giá cho từng yếu tố chi phí (yếu tố chi phí trong nước áp dụng các chỉ số giá hoặc giá theo đồng tiền Việt Nam; yếu tố chi phí nước ngoài áp dụng các chỉ số giá hoặc giá theo đồng tiền Korea Won) của Tổng công ty Cửu Long tại văn bản số 1160/CIPM-QLDA5 là phù hợp. Trong đó, tỷ trọng của các yếu tố chi phí trong nước và ngoài nước do các bên (Chủ đầu tư, Nhà thầu, Tư vấn) xác định theo thực tế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Tỷ trọng của các yếu tố chi phí trong nước và nước ngoài được xác định căn cứ vào hồ sơ giá hợp đồng gốc, các yếu tố chi phí trong nước và ngoài nước theo thực tế thực hiện và áp dụng chung cho các đợt thanh toán.

Về phương pháp điều chỉnh giá: Giá trị thanh toán của mỗi chứng chỉ thanh toán tạm (IPCs) bằng giá trị của khối lượng công tác thi công thực tế được nghiệm thu nhân với đơn giá gốc trong hợp đồng cộng với giá trị của phần điều chỉnh giá (có thể tăng (+) hoặc giảm (-)).

Đối với các yếu tố chi phí trong nước sử dụng chỉ số giá của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Bộ Xây dựng hoặc cơ quan thẩm quyền Việt Nam, thì giá trị của phần được điều chỉnh giá được thực hiện như sau:

Bước 1: Tính toán chuyển đổi toàn bộ giá trị phần chi phí trong nước của từng chứng chỉ thanh toán tạm (IPCs) sang đồng tiền Việt Nam theo tỷ giá giữa KRW/USD/VNĐ tại thời điểm 28 ngày trước ngày đóng thầu (giá trị B).

Bước 2: Tính toán trượt giá cho từng chứng chỉ thanh toán tạm (IPC) trên cơ sở công thức điều chỉnh giá đã được tách riêng cho phần chi phí trong nước, tỷ trọng các yếu tố chi phí và chỉ số giá do Tổng cục Thống kê Việt Nam, Bộ Xây dựng hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp (được tính toán bằng đồng tiền Việt Nam) (giá trị B’).

Bước 3: Tính toán giá trị phần được điều chỉnh giá bằng hiệu số của các kết quả được tính toán ở bước 1 và bước 2 (△B = B’-B).

Bước 4: Quy đổi giá trị phần điều chỉnh giá △B về đồng tiền thanh toán (đồng Korea won) theo tỷ giá VNĐ/USD/KRW tại thời điểm 28 ngày trước ngày hết hạn nộp hồ sơ thanh toán.

Đối với các yếu tố chi phí nước ngoài trình tự tính toán được thực hiện tương tự nhưng không phải quy đổi đồng tiền do đồng tiền thanh toán và đồng tiền sử dụng để tính toán chỉ số giá đều là đồng Korea Won (sử dụng chỉ số giá của cơ quan thẩm quyền Hàn Quốc).
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 956/BXD-KTXD.
 

Tài liệu đính kèm bài viết
Cong van 956 BXD-KTXD 15-5-2014.docTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)