Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội một số vướng mắc trong công tác quản lý Quy hoạch, Kiến trúc của thành phố Hà Nội

Thứ hai, 30/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/3, Bộ Xây dựng đã có công văn  497 /BXD-KTQH hướng dẫn Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội một số vướng mắc trong công tác quản lý Quy hoạch, Kiến trúc của thành phố Hà Nội như sau:

1. Về điều chỉnh quy hoạch xây dựng (QHXD):

- Thống nhất với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc “Điều chỉnh QHXD được coi là điều chỉnh cục bộ khi phạm vi có điều chỉnh chiếm dưới 10% quy mô dân số hoặc dưới 10% diện tích quy hoạch của đồ án QHXD đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, hiện nay đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang được Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND Tp. Hà Nội thực hiện, Tư vấn nước ngoài bắt đầu nghiên cứu, đánh giá hiện trạng. Do đó, trong quá trình triển khai, thành phố cần lưu ý chỉ đạo nội dung điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải phù hợp Định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và phát triển đô thị bền vững.

- Về đề xuất giản tiện trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt khi lập hồ sơ điều chỉnh QHXD: Bộ Xây dựng đã có công văn số 2310/BXD-VP ngày 17/11/2008 cơ bản thống nhất với các đề xuất của Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, lưu ý đồ án điều chỉnh quy hoạch phải có các bản vẽ về hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo sự kết nối đồng bộ khi triển khai, đặc biệt là bản vẽ quy hoạch giao thông, san nền và thoát nước mặt.

2. Về lấy ý kiến thoả thuận đối với quy hoạch xây dựng:

- Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Thành phố Hà Nội các trường hợp cần phải lấy ý kiến thoả thuận: đến cấp quận – huyện (Hội đồng nhân dân, UBND, Mặt trận Tổ quốc) trong phạm vi quy hoạch vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung đô thị; đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn và đại diện cộng đồng dân cư trong phạm vi quy hoạch chi tiết xây dựng.

- Các trường hợp không phải lấy ý kiến thoả thuận đối với quy hoạch chi tiết 1/500: thống nhất cơ bản với đề xuất của Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, UBND Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm rõ các khái niệm, tiêu chí “không có điều chỉnh lớn so với QHCT 1/2000” để làm cơ sở áp dụng cho trường hợp không phải lấy ý kiến thoả thuận QHXD ở cấp phường, xã; tránh mập mờ, tạo kẽ hở hoặc tiêu cực trong quản lý ĐTXD sau quy hoạch.

- Việc lấy ý kiến thoả thuận của cơ quan chuyên ngành: UBND thành phố Hà Nội đề xuất trong quá trình lập QHXD chỉ cần xin ý kiến về an ninh quốc phòng, di tích lịch sử – văn hoá và đê điều, còn các cơ quan khác sẽ thực hiện ở bước lập dự án đầu tư. Về việc này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Tp. Hà Nội thực hiện đúng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2003, Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Việc tham gia ý kiến, thoả thuận về quy hoạch của các cơ quan chuyên môn, các bên liên quan tới đồ án quy hoạch xây dựng nhằm mục đích tạo sự phối hợp đồng bộ, tránh chồng chéo về quy hoạch (nếu có) của các ngành liên quan đến khu vực nghiên cứu, lập quy hoạch.

3. Về Thiết kế đô thị và Quy chế quản lý kiến trúc đô thị:

Về nội dung hồ sơ Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được qui định cụ thể tại các Điều 30, 31 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Nội dung hồ sơ trình duyệt của đồ án Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được qui định tại các Điều 16, 17, 24, 26 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Khi có nhu cầu cần đưa ra các qui định cụ thể để quản lý phát triển đô thị cho những không gian như: khu phố cổ, phố cũ, quảng trường văn hóa… thành phố có thể tổ chức nghiên cứu, lập và phê duyệt Hồ sơ thiết kế đô thị tách riêng với đồ án quy hoạch chi tiết.

4. Về quy hoạch mạng lưới và quy hoạch chuyên ngành:

Về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ, tham gia của cộng đồng đối với các quy hoạch mạng lưới, quy hoạch chuyên ngành (như quy hoạch điện lực, quy hoạch đê điều…) cần tuân thủ theo các Luật và các Nghị định hướng dẫn của ngành đó. Nếu đồ án quy hoạch mạng lưới, quy hoạch chuyên ngành có liên quan tới bố trí công trình xây dựng trong không gian đô thị thì cần có ý kiến thoả thuận của Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương (Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng) đảm bảo phối hợp đồng bộ và không trùng chéo về quy hoạch.

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 497/BXD-KTQH

Tài liệu đính kèm bài viết
Cong van 497_1238387033785.docTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)