Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu sử dụng Puzolan mỏ Giao Ninh – Châu Đức – tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng và bê tông

Thứ năm, 05/08/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 5/8/2010, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng khoa học kỹ thuật chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp nghiệm thu kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu sử dụng Puzolan mỏ Giao Ninh – Châu Đức – tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng và bê tông”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do Th.S Nguyễn Mạnh Tường – Viện Vật liệu xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.

Pozolan là vật liệu tự nhiên đã được nghiên cứu và ứng dụng làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng và chế tạo bê tông từ rất lâu. Tại Việt Nam, từ những năm 60, nguồn puzolan đã được đưa vào sử dụng làm phụ gia. Đối với mỏ puzolan Giao Ninh, thì từ năm 2004, sau khi Công ty Cổ phần Khoáng sản Minh Tiến được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, mỏ này mới được Công ty Cổ phần địa chất Nam Bộ tiến hành thăm dò và lập báo cáo kết quả thăm dò, trong đó đã tiến hành lập bản đồ địa chất, đánh giá đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế khu mỏ… Trên cơ sở báo cáo thăm dò, công ty đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản và Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp quyết định cho phép Cty CP Khoáng sản Minh Tiến khai thác Puzolan bằng phương pháp lộ thiên thuộc khu vực núi Giao Ninh với diện tích khai thác là 40,1ha, trữ lượng khai thác là 15.479.875 tấn. Nhưng để khẳng định chất lượng pozolan mỏ Ninh Giao, có cơ sở khoa học và pháp lý cho việc sử dụng nguồn phụ gia khoáng này cho sản xuất xi măng và bê tông, Cty Khoáng sản Minh Tiến đã phối hợp với Viện VLXD tiến hành khảo sát, lấy mẫu và đánh giá chất lượng mỏ puzolan Giao Ninh, từ đó có thể giúp các đơn vị có nhu cầu yên tâm sử dụng.

Thay mặt nhóm nghiên cứu Th.S Nguyễn Mạnh Tường đã trình bày trước Hội đồng các kết quả nội dung nghiên cứu của nhóm đề tài gồm: Nghiên cứu các tài liệu địa chất, cấu trúc khu mỏ Giao Ninh trong báo cáo kết quả thăm dò mà công ty đã thực hiện từ trước; đánh giá đặc tính kỹ thuật của puzolan Giao Ninh; xác định tính dễ nghiền của đá puzolan Giao Ninh so với clanhke xi măng; nghiên cứu ảnh hưởng các tỷ lệ sử dụng puzolan Giao Ninh đến tính chất của xi măng pooclăng hỗn hợp, bê tông thường và bê tông đầm lăn; đề xuất, kiến nghị sử dụng hợp lý nguồn đá làm phụ gia khoáng cho xi măng và bê tông.

Theo nhận xét của các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng, đây là một đề tài được thực hiện khá bài bản, cụ thể và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nội dung nghiên cứu cần bổ sung thêm những phần còn thiếu, trong đó điển hình là phần mục lục, chỉnh sửa lại kết luận 3, 4 để được chuẩn xác và cụ thể hơn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng - Trần Đình Thái, Phó Vụ trưởng, Vụ KHCN & MT đã đề nghị nhóm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung những sai sót, những phần còn thiếu trong đề tài theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Hơn nữa, do đây là kết quả nghiên cứu nhằm phục vụ các đơn vị trong nước, nên nhóm tác giả cần chú ý sử dụng các tiêu chuẩn trong nước. Trên cơ sở ý kiến của thành viên trong Hội đồng, sau khi nhóm tác giả đã chỉnh sửa hoàn thiện, Vụ KHCN sẽ giúp trình lên lãnh đạo Bộ xem xét, có văn bản tạo điều kiện về việc sử dụng mỏ puzolan Giao Ninh làm phụ gia khoáng cho xi măng, bê tông và bê tông đầm lăn trong các công trình xây dựng ở Việt Nam.

Hội đồng đã nhất trí thông qua và nghiệm thu các kết quả của đề tài, đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc./.

Bích Ngọc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)