Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.195 dịch vụ công trực tuyến, gồm 2.368 dịch vụ cho công dân và 2.177 dịch vụ cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Tính đến hết tháng 10/2022, đã có hơn 3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3 tỷ đồng được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (tính từ thời điểm hệ thống thanh toán trực tuyến của cổng được đưa vào vận hành tháng 3/2020).
Thống kê cũng cho thấy, từ ngày 20/9 đến ngày 20/10/2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 370.000 tài khoản đăng ký; trên 12 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 689.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; hơn 739.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 300.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 234 tỷ đồng.
Tính chung kể từ thời điểm khai trương (9/12/2019) đến trung tuần tháng 10/2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,2 triệu tài khoản đăng ký; trên 828 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 142,8 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,7 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; cùng hơn 5,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng.
Như vậy, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn đã tích hợp, cung cấp 4.195 dịch vụ công trực tuyến, gồm 2.368 dịch vụ cho công dân và 2.177 dịch vụ cho doanh nghiệp.
Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện đang cung cấp 14 nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến, gồm 8 nhóm dịch vụ thanh toán dành cho người dân và 6 nhóm dịch vụ thanh toán đối với doanh nghiệp.
Các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho người dân: Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; khai và nộp thuế cá nhân; đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; thanh toán viện phí; nộp tạm ứng án phí.
Với doanh nghiệp, nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến gồm: Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; khai và nộp thuế doanh nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; nộp tạm ứng án phí.
Trước đó vào sáng 15/9/2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã đề nghị đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%; hướng tới hầu hết các dịch vụ công phải được thực hiện theo phương thức “3 không”, gồm không giấy tờ-không tiền mặt-không văn phòng.
Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng; tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị đến cuối năm 2022, yêu cầu 100% thủ tục hồ sơ tiếp nhận phải được xử lý, cập nhật trạng thái trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ 100% trạng thái hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia./.