Một số vấn đề lý luận liên kết phát triển vùng đô thị động lực

Thứ sáu, 15/10/2021 14:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Có 2 loại công cụ để thực hiện quy hoạch vùng là đồ án quy hoạch vùng, chính sách phát triển vùng và công cụ quản lý phát triển. Chính sách phát triển vùng nói chung là kết hợp giữa quan điểm về KT-XH với xác định vị trí cụ thể trên lãnh thổ. Công cụ quản lý phát triển bao gồm: vành đai xanh, hạn chế phát triển, kiểm soát tốc độ tăng trưởng, ranh giới phát triển đô thị, khu vực cung cấp dịch vụ hạ tầng cho các giai đoạn phát triển… Công cụ tài chính bao gồm: thuế, phí nhằm tạo động lực từ các hoạt động phát triển vùng. Đây là công cụ nhà nước để yêu cầu đóng góp chi phí chung của phát triển hạ tầng khung hoặc làm giảm nhẹ những tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện quy hoạch gây tác động (Evan-Cowley, 2006). Công cụ này được thể hiện trong hệ thống quy hoạch vùng, một mặt nhằm tạo điều kiện phát triển điều kiện thị trường, một mặt khuyến khích và thu hút những hoạt động phát triển mong muốn tại những khu vực chiến lược do quy hoạch xác định (Tiesdell và Allmendinger 2005). Những công cụ đó bao gồm ưu đãi cho dự án tái thiết nhằm tái cấu trúc đô thị đồng thời đảm bảo những phát triển thiết bền vững được xử lý (McCarthy,2002). Quỹ bảo tồn di sản kiến trúc đô thị nhằm tạo ra cơ chế ưu đãi cho xã hội để bảo tồn và giảm nhẹ hoặc loại bỏ tác động tiêu cực và hướng tới phát triển phù hợp được khuyến khích (Pruetz and Standrige,2008).

1. Lý thuyết về mô hình quy hoạch vùng

Từ những năm 60 của thế kỷ 20, lý thuyết về quy hoạch vùng được phát triển và phổ biến, đặc biệt tại Tây Âu và Bắc Mỹ. Các mô hình lý thuyết quy hoạch vùng cơ bản gồm:

- Lý thuyết về cực tăng trưởng của Francois Perroux năm 1995.

- Lý thuyết về phân bố tăng trưởng của Gunnar Myrdal năm 1956

- Các nấc thang tawngtruowrng của Walt Whitman Rostow năm 1960

- Cân bằng tăng trưởng của Albert O.Hirschman năm 1950.

- Trung tâm và ngoại vi của John Friedman năm 1966.

1.1. Lý thuyết về Cực tăng trưởng của Francois Peroux năm 1995

Theo quan điểm của lý thuyết này, không bao giờ tất cả các khu vực kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông  nghiệp có thể quy hoạch cùng một lúc và tác động của sự phát triển và lan tỏa cũng tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Một số quốc gia như Thụy Điển nơi du lịch không tập trung tại một nơi mà phân bố đều hay như tại Đan Mạch nơi sự giàu có không phụ thuộc vào những công ty lớn thì những dự kiến của mô hình tăng trưởng vùng không hẳn là cần thiết. Tăng trưởng sẽ không diễn ra tại tất cả mọi nơi mà tập trung tại một số vị trí. Những nơi như vậy gọi là cực hoặc trung tâm tăng trưởng, có vai trò thu hút và tạo sức lan tỏa tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Các cực và trung tâm tăng trưởng được hình thành dưới những hình thức không gian và mức độ khác nhau, lan tỏa ra diện rộng trên nhiều phương diện tác động tới nền kinh tế. Các biểu hiện khi các cực tăng trưởng xuất hiện là giao thông tắc nghẽn, mật độ dân số cao, giá đất và chi phí đầu vào cho sản xuất cao, sự mở rộng thị trường bị giới hạn. Boudeville đã xác định cực tăng trưởng vùng là quá trình mở rộng các ngành công nghiệp trên địa bàn và sự mở rộng phát triển các hoạt động của chúng ra các vùng ảnh hưởng. Những địa bàn có sự mở rộng, thu hút hoặc thống trị bởi các ngành công nghiệp nhất định sẽ trở thành cực tăng trưởng vùng và xu thế VĐT cũng phát triển theo.

Có 04 loại phân cực tăng trưởng: (1) Công nghệ và kỹ thuật: Tập trung doanh nghiệp, công nghiệp công nghệ mới tại các cực tăng trưởng; (2) Thu nhập: tăng trưởng thu nhập dựa trên sự mở rộng dịch vụ và mối liên hệ giữa nhu cầu và lợi nhuận; (3) Hiệu ứng tác động: dựa trên nhu cầu dự báo tại vùng tác động xung quanh; (4) Địa lý: tập trung các hoạt động kinh tế tại một không gian địa lý nhất định.

Ưu điểm:

- Không bù đắp sự thiếu cân bằng trong phát triển kinh tế quốc gia hoặc vùng mà tập trung tới những yếu tố thu hút và lan tỏa.

- Xây dựng tầm nhìn về phát triển kinh tế quốc gia (vùng) dựa trên xu thế tập trung phát triển công nghiệp cấp vùng.

- Xây dựng hệ thống tầng bậc bằng cách ủng hộ chiến lược cực tăng trưởng mới.

Nhược điểm

- Không làm rõ sự khác biệt giữa tăng trưởng tự nhiên và tăng trưởng do quy hoạch hay nói một cách khác giữa sự hình thành tự nhiên của các trung tâm hay là yếu tố tác động tới hình thành các trung tâm đó.

- Những bối cảnh khác nhau, vùng kinh tế chậm phát triển, vùng trong quá trình ĐTH và vùng có nhu cầu tái cấu trúc sẽ có phương thức thực hiện mô hình này khác nhau.

- Không lường trước được khoảng đầu tư ban đầu để tạo ra những cực tăng trưởng mới.

- Chưa có phân tích đầy đủ về những bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp tạo ra các cực tăng trưởng

1.2. Lý thuyết về Phân bố tăng trưởng của Gunnar Myrdal năm 1956

Mô hình phân bố tăng trưởng là cách tiếp cận hiệu ứng hệ quả đa chiều. Khi đó các yếu tố và mối liên hệ được xây dựng và tao ra một tổ chức bộ máy sẽ định hướng những thay đổi tới các tổ chức bộ máy khác.

Hiệu ứng tiêu cực hoặc phân cực (backwash): nếu một vùng bắt đầu tăng trưởng hoặc phát triển sẽ tạo ra sức thu hút về lao động, vốn, kết cấu hạ tầng và máy móc tới đó từ các vùng lân cận, nó sẽ tạo ra sự tăng trưởng của một vùng từ những nguồn lực của các vùng xung quanh. Ví dụ như, nếu một trung tâm mới hình thành do một ngành công nghiệp mới xuất hiện thì dân cư, lao động sẽ có xu hướng dịch chuyển tới đây vì có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn. Do đó, vùng trung tâm sẽ phát triển sẽ phát triển dựa trên nguồn lực của các vùng lân cận.

Hiệu ứng tích cực, trickle down hoặc lan tỏa: sự lan tỏa tăng trưởng từ các cực tăng trưởng tới các vùng chậm phát triển gọi là hiệu ứng tích cực. Nhu cầu tăng trưởng tại các vùng phát triển như tài nguyên, lương thực thực phẩm từ vùng chậm phát triển hoặc nâng cao công nghệ. Điều này có nghĩa là những vùng chậm phát triển sẽ càng bị khai thác hơn trước vì nguồn nhân lực chất lượng cao và vốn đầu tư đã di chuyển tới cực tăng trưởng mới.

Ưu điểm:

- Kết hợp được 2 tác động lớn từ quốc tế và từ quốc gia tạo ra những tăng trưởng từ những nguồn lực của vùng lân cận.

- Yếu tố thị trường cạnh tranh sẽ giải quyết các vấn đề của vùng.

- Đóng góp vào lý thuyết về tác động ngoại vùng và nội vùng, lý thuyết về kinh tế tich tụ và vị trí, lý thuyết về chu kỳ.

- Mydal là nhà lý thuyết ủng hộ cho quan điểm tăng trưởng cân bằng do nhà nước khởi xướng, định hướng và duy trì.

1.3. Các nấc thang tăng trưởng của Walt Whitman Rostow năm 1960

Rostow đã đưa ra 5 bước phát triển bắt buộc các quốc gia phải trải qua theo xu thế:

- Xã hội truyền thống: Kinh tế dựa trên sản xuất nông nghiệp, với yêu cầu nhiều lao động, năng suất thấp, tỷ lệ trao đổi thương mại thấp, dân cư không có nền tảng khoa học và công nghệ

- Xã hội tiền phát triển (cất cánh): Xã hội bắt đầu phát triển sản xuất. Nông nghiệp được cơ giới hóa và sản phẩm được trao đổi thương mại. Tiết kiệm và đầu tư vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong GDP. Xã hội đã bắt đầu sử dụng khoa học công nghệ để cải tiến sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp. Một tầng lớp thượng lưu, doanh nhân xuất hiện trong xã hội là nhóm có khả năng huy động vốn tiết kiệm và thực hiện đầu tư vào ngành doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro. Về khía cạnh tổ chức chính trị, giai đoạn xã hội tiền phát triển này xu thế tập trung quyền lực nhà nước bắt đầu diễn ra. Đó là sự phát triển hệ thống thuế và định chế tài chính, xây dựng hệ thống hạ tầng như đường sắt, cảng, nhà máy nhiệt điện và tổ chức đào tạo.

- Xã hội phát triển: Giai đoạn này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn với tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh, khi đó công nghiệp hóa bắt đầu và công nhân, tổ chức sẽ hình thành xung quanh hệ thống công nghiệp mới. Công nghiệp sản xuất trở nên quan trọng. Hệ thống chính trị và xã hội bắt đầu phát triển tài chính từ nguồn lực bên ngoài, tiết kiệm và đầu tư tăng cao. Giai đoạn kéo dài 20-30 năm tới thời điểm khi đó nền kinh tế tự vận động, chuyển đổi theo cách có được những hiệu ứng phát triển tự thân.

- Xã hội trưởng thành: Giai đoạn này khá dài, do tiêu chuẩn sống cao, sử dụng công nghệ tăng, kinh tế quốc gia tăng và đa dạng. Tăng trưởng phát triển la tỏa ra các vùng trong quốc gia, nền kinh tế chuyển từ trạng thái phụ thuộc vào đầu vào cho tăng trưởng sang trạng thái sử dụng những ý tưởng, lực lượng tri thức để tăng năng suất và thu nhập. Cấu trúc của thương mại quốc tế diễn ra thay đổi căn bản.

- Xã hội tiêu dùng cao: Các quốc gia Tây Âu và chủ yếu là Mỹ đang ở trong giai đoạn này. Xã hội có đặc điểm sản xuất quy mô lớn và tiêu dùng. Tăng trưởng khu vực kinh tế dịch vụ do sự phát triển tầng lớp tiêu dùng trung lưu. Giá trị của con người thay đổi theo xu hướng sử dụng nhiều hàng hóa cao cấp và lối sống xa hoa. Một số ngành hàng sản xuất phục vụ đối tượng tiêu dùng này trở thành ngành công nghiệp dẫn đầu của tăng trưởng kinh tế.

Nhược điểm

- Mydral phản biện mô hình này và cho rằng các nền kinh tế không thể phát triển tuần tự và bước sau dựa trên kết quả của bước trước mà kinh tế phát triển là kết quả của chính sách kinh tế được đưa ra chứ không bao giờ là ngược lại.

- Meier cho rằng các nấc thang phát triển kinh tế không thể copy từ kinh nghiệm các nước Tây Âu như mô hình Rostow đưa ra.

- Một số các nước Châu Phi nhận rất nhiều tài chính quốc tế nhưng có những thay đổi chậm trong tăng trưởng kinh tế, họ vẫn đang trong giai đoạn thứ 1 và thứ 2 của 05 nấc thang xã hội phát triển của Rostow.

(Hình 1: Mô hình nấc thang tăng trưởng của Walt Whiteman Rostow 1960)

1.4. Trung tâm và ngoại vi của John Friedman năm 1966

John Friedman đã xây dựng mô hình vùng dựa trên phân tích của Venezuela giữa vùng sâu trong đất liền với dải ven biển. Ý tưởng Trung tâm và ngoại vi có những điểm tương đồng với ý tưởng cực tăng trưởng của Francois Perroux. Một số vùng tăng trưởng tốt hơn vì điều kiện con người, lợi thế về điều kiện vật chất và trở thành cực tăng trưởng, thành vùng trung tâm. Vùng khác do điều kiện khó khăn về con người và điều kiện vật chật nên trở thành vùng ngoại vi.

Hệ thống đô thị song hành với hệ thống giao thông vùng. Vùng trung tâm phát triển vì yêu cầu đòi hỏi của trung tâm về nguồn lao động, tài nguyên, vốn… từ các vùng lân cận, là các khái niệm về dịch cư và khai thác tài nguyên. Vùng ngoại vi cung cấp vật liệu nguyên liệu và con người cho vùng trung tâm và ngược lại trung tâm sẽ cung cấp sản phẩm đầu ra cho tiêu dùng và đầu vào cho vùng ngoại vi.

Cực tăng trưởng được hình thành và vận hành theo các cách:

- Công nghệ và phân cực kỹ thuật: dựa trên sự tập trung kỹ thuật mới và công nghệ tại cực tăng trưởng.

- Cực tăng trưởng thu nhập: tại các cực tăng trưởng dân cư có thu nhập tốt, do vậy tạo ra những nhu cầu sử dụng và mua bán dịch vụ mới.

- Hiệu ứng: Dựa trên tối ưu dự báo nhu cầu trong khu vực có mối liên hệ về mặt đi lại (làm - ở)

- Phân cực lãnh thổ: dựa trên tập trung các hoạt động kinh tế tại vị trí nhất định trong vùng.

- Theo hệ thống tầng bậc thì các cực tăng trưởng được phân nhóm như sau:

+ Đô thị trung tâm central cities: đô thị quy mô vừa và nhỏ, cơ cấu kinh tế dịch vụ thương mại là chủ yếu.

+ Cực tăng trưởng growth poles: đô thị công nghiệp với cấu trúc kinh tế đa dạng, tăng trưởng của đô thị do vậy phụ thuộc vào yếu tố đầu tư từ bên ngoài.

+ Cực phát triển development poles: đô thị lớn với tập hợp nhiều đô thị vừa và nhỏ, có nền kinh tế đa dạng và với sự hiện diện các ngành công nghiệp, tạo ra sự phát triển độc lập.

+ Vùng tích hợp integration poles: vùng tăng trưởng bao gồm 2 hoặc nhiều đô thị và tạo ra xu thế phát triển cấu trúc không gian của quốc gia.

Tác động của vùng trung tâm tới vùng ngoại vi sẽ khác nhau giữa trung hạn và dài hạn, trung hạn thì nó là tiêu cực. Vùng trung tâm do tập trung công nghiệp, các công ty nên sẽ thu hút các nguồn lực từ vùng ngoại vi. Dài hạn, vùng trung tâm sẽ mở rộng ra vùng ngoại vi, nhu cầu về nguyên vật liệu, con gười từ vùng ngoại vi sẽ tăng ( điều kiện giao thông được cải thiện) vượt xa khả năng dung nạp của vùng trung tâm dẫn tới việc xây dựng mới nhà máy, doanh nghiệp tại khu vực ngoại vi.

Xu thế phát triển của mô hình trung tâm - ngoại vi:

- Giai đoạn tiền công nghiệp: xã hội nông nghiệp, kinh tế địa phương với cấu trúc định cư quy mô nhỏ. Mỗi tổ chức định cư được tổ chức khá độc lập, các hoạt động thì rải rác phân tán và giao thông đi lại liên kết ở mức độ thấp.

- Giai đoạn công nghiệp hóa: tập trung kinh tế ở vùng trung tâm là kết quả của quá trình bắt đầu tích lũy vốn và tăng trưởng công nghiệp, thương mại và giao thông phát triển, tuy nhiên mức độ giao thông đi lại vận chuyển vẫn ở mức độ thấp.

- Giai đoạn công nghiệp: thông qua quá trình tăng trưởng kinh tế và lan tỏa, sự phát triển những vùng trung tâm mới quy mô nhỏ xuất hiện dẫn đến gia tăng nhu cầu đi lại và liên kết giữa các trung tâm và giữa trung tâm với vùng ngoại vi.

- Giai đoạn hậu công nghiệp: hệ thống đô thị hoàn toàn được tích hợp giữa vùng trung tâm và vùng ngoại vi, và mức độ khác biệt đã giảm đi đáng kể. Những vùng tăng trưởng chính nổi trội gồm cửa ngõ thương mại quốc tế hay còn gọi là đô thị quốc tế.

Nhược điểm:

- Thời gian trôi qua thì sự khác biệt giữa vùng trung tâm và ngoại vi lại gia tăng thay vì giảm và tích hợp vùng trung tâm với vùng ngoại vi.

- Một số quốc gia đã dành được độc lập từ chế độ thực dân nhưng vẫn phụ thuộc vào sự phát triển của các nước như Mỹ, Anh. Friedman cho rằng các nước tư bản chưa bao giờ có ý định từ bỏ vai trò kinh tế trùm sò cho các nước thuộc địa trước đây. Các quốc gia phụ thuộc đơn giản là vệ tinh cho những lợi nhuận họ thu được, đặc biệt thông qua các tập đoàn xuyên quốc gia. Trong mối quan hệ này hầu hết những người nông dân đa số nghèo và chỉ có nhóm thượng lưu và một bộ phận trung lưu phát triển với một thế cờ không cân bằng.

- Những lợi thế về công nghệ chỉ xuất hiện tại vùng trung tâm bởi nó đã có sẵn hệ thống hạ tầng hiện đại và các nước phát triển vẫn chiếm lĩnh ưu thế này. Kết quả là vùng trung tâm được miêu tả là người khai thác và vùng ngoại vi là bị khai thác do kết quả của phát triển không cân đối.

1.5. Cân bằng tăng trưởng của Albert O. Hirschman năm 1950

Mô hình trọng điểm tăng trưởng là phù hợp nhất để hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại các quốc gia đang phát triển. Theo Hirschman, nếu kinh tế phát triển có vai trò đầu tàu thì chính sách có nhiệm vụ duy trì, tập trung nguồn lực, phân bổ và đầu tư. Ngành công nghiệp được lựa chọn với tối đa hóa liên kết sản xuất trong hệ sinh thái của nó sẽ phát triển trước một bước. Việc đầu tư cho những lĩnh vực và ngành công nghiệp này sẽ giúp tăng tốc phát triển kinh tế.

Mức độ về tương tác và liên kết trong hệ sinh thái của từng ngành công nghiệp là khác nhau. Do vậy, chương trình phát triển kinh tế phải nhắm tới làm sao hình thành hệ sinh thái đó, có như vậy khi đó các hiệu ứng tương tác về liên kết và hỗ trợ sẽ hoạt động tốt nhất.

Đầu tư dàn trải vào hệ sinh thái ngành công nghiệp theo mô hình phát triển cân bằng sẽ tạo ra tăng trưởng mới ngay lập tức, tuy nhiên sau đó nền kinh tế sẽ đạt trạng thái “ổn định” cao nhưng sẽ không có sự tăng trưởng nào nữa. Các quốc gia đang phát triển, sản xuất, tiêu dùng, tích lũy và đầu tư được điều chỉnh với nhau tại mức độ thấp, do đó tạo ra trạng thái ổn định và trở thành lực cản cho tăng trưởng. cách duy nhất để phá vỡ thế ổn định trì trệ là định hướng quy hoạch theo mô hình trọng điểm. Để duy trì sự tăng trưởng liên tục và tiếp nối nhau, việc duy trì trạng thái “không cân bằng” là cần thiết.

Để tạo ra trạng thái “không cân bằng” đó, theo Hirschman, nếu đầu tư dịch vụ xã hội thì các ngành dịch vụ thương mại, nông nghiệp, công nghiệp không thể hoạt động được. Những chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, sức khỏe cộng đồng, giao thông, viễn thông, thủy lợi và thoát nước… sẽ kích hoạt đầu tư của các hoạt động sản xuất vì các quốc gia đó đã giảm được chi phí đầu vào cho các ngành công nghiệp, nông  nghiệp. Ví dụ như chi phí điện và cung cấp năng lượng rẻ sẽ tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp và cả các ngành khác cũng được hưởng lợi. Do đó, mở rộng đầu tư sản xuất không gắn với đầu tư dịch vụ xã hội sẽ làm chi phí đầu vào cho công nghiệp, nông nghiệp tăng cao do các dịch vụ cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao thông, viễn thông đắt đỏ. Khi đó, nhà nước cần đầu tư dịch vụ xã hội cần thiết và một lần nữa sẽ kích hoạt phát triển nền kinh tế theo diện rộng.

Ưu điểm:

- Mô hình dựa trên nền tảng các ngành công nghiệp cơ bản để xây dựng kịch bản. Các ngành công nghiệp cơ bản phát triển sẽ kích hoạt các ngành công nghiệp tiêu dùng.

- Kết quả của chiến lược duy trì trạng thái “không cân bằng” sẽ tạo ra những ngành công nghiệp sản xuất lớn. Những ngành công nghiệp lớn này sẽ đòi hỏi phát triển ngành phụ trợ, tạo ra hiệu ứng lan tỏa về việc làm và thu nhập.

Nhược điểm:

- Lạm phát do tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, xem nhẹ phát triển nông  nghiệp. Hàng hóa dư thừa do sản xuất lớn trong thười gian ngắn, tạo ra lạm phát.

- Tập trung tài nguyên cho một số ngành công nghiệp trọng yếu, dẫn tới mất cân đối về sử dụng tài nguyên. Một số lĩnh vực phát triển vượt bậc, một số lĩnh vực vẫn kém phát triển.

- Tạo ra ngành công nghiệp cơ bản vào thời điểm phù hợp là một thách thức lớn

- Thành công của tăng trưởng phục thuộc vào thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài. Tạo ra những rủi ro và không chắc chắn về quá trình tăng trưởng.

STT

Mô hình

lý thuyết

Đặc điểm

Ưu điểm

Nhược điểm

1

Cực tăng trưởng của Francois Perroux năm 1995

Phân cực tăng trưởng dựa trên phát triển công nghiệp tập trung: công nghệ, thu nhập, dự báo nhu cầu, địa lý

- Tập trung phát triển cực tăng trưởng

- Kinh tế quốc gia dựa trên kinh tế trọng điểm vùng

- Hệ thống tầng bậc cực tăng trưởng

Phụ thuộc vào những bối cảnh khác nhau, vùng kinh tế chậm phát triển, vùng trong quá trình ĐTH và vùng có nhu cầu tái cấu trúc

2

Phân bố tăng trưởng của Gunnar Myrdal năm 1956

Phân cực và lan tỏa: việc làm

Ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo

Kết hợp nội lực và ngoại lực

Sử dụng yếu tố thị trường cạnh tranh

Do nhà nước khởi xướng

Khai thác tài nguyên

Phát triển mất cân đối

Rủi ro

3

Các nấc thang tăng trưởng của Walt Whitman Rostow năm 1960

5 nấc thang xã hội theo trình độ phát triển CN: xã hội truyền thống, tiền cất cánh, phát triển, trưởng thành và tiêu dùng cao

Làm rõ giai đoạn phát triển dựa trên tiêu chí trình độ phát triển

Dự báo tương lai để đầu tư và chính sách phù hợp

Mô hình của Tây Âu, Mỹ

Thu nhập trung bình do phụ thuộc đầu tư nước ngoài

Phát triển là kết quả của chính sách không phải ngược lại từ kinh tế

4

Trung tâm và ngoại vi của John Friedman năm 1966

Vùng trung tâm

Vùng ngoại vi

Hệ thống đô thị

Phân loại cực tăng trưởng: công nghệ - kỹ thuật, thu nhập, dự báo nhu cầu ở và đi lại, địa lý kinh tế

Đô thị trung tâm, cực tăng trưởng, cực phát triển, vùng tích hợp 04GĐ: tiền CN, CNH, CN, Hậu CN.

Xác định nấc thang phát triển công nghiệp và ĐTH

Dự báo phát triển không gian lãnh thổ gắn với phát triển kinh tế

Gắn phát triển vùng và hệ thống đô thị

Gia tăng sự khác biệt giữa cá vùng phát triển và chậm phát triển

Vai trò độc tôn của các nước tư bản lớn

Vị trí cạnh tranh của vùng trung tâm và ngoại vi không thay đổi về mặt bản chất chỉ thay đổi về lượng, quy mô sản xuất vị trí địa lý

5

Cân bằng tăng trưởng của Albert O.Herschman năm 1950

Cực tăng trưởng do phát triển CN cơ bản, CN phụ trợ, dịch vụ đi theo

Trạng thái “mất cân bằng” giữa các vùng để khuyến khích tăng trưởng

Phát triển công nghiệp cơ bản

Đầu tư nhà nước về dịch vụ xã hội cân bằng phát triển

Hiệu ứng lan tỏa về thu nhập và việc làm

Hàng hóa dư thừa do sản xuất hàng hóa lớn trong thời gian ngắn

Mất cân đối sử dụng tài nguyên

Phụ thuộc nguồn lực bên ngoài, đầu tư nước ngoài

2. Kết luận

Lý thuyết mô hình quy hoạch vùng được phát triển từ những năm 1960 cho đến 1990, trong giai đoạn ĐTH mạnh mẽ tại các nước Tây Âu và Bắc Mỹ cùng với quá trình ra đời và phát triển của các VĐT lớn

Các mô hình lý thuyết quy hoạch vùng cơ bản đều dựa trên các nguyên tắc và kịch bản phân bổ các nguồn lực đầu tư và phát triển thông qua các cực tăng trưởng làm động lực dẫn dắt quá trình phát triển của hệ thống đô thị của một Vùng.

Mô hình VĐT động lực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thuộc Vùng TP.HCM được quy hoạch và xây dựng là phù hợp với các lý thuyết vùng động lực nêu trên. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc xuất hiện nhiều yếu tố mới về khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa đòi hỏi việc nghiên cứu áp dụng các mô hình truyền thống có những cập nhật và hiệu chỉnh cho phù hợp hơn. Xu thế chung trong phát triển VĐT hiện đại ngày nay là tăng cường kết nối nhằm hỗ trợ, chia sẻ cho mục tiêu chung là phát triển hài hòa, hạn chế tình trạng phát triển mất cân đối giữa các vùng lãnh thổ.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 109+110/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)