Rạng sáng 9/3 (giờ Hà Nội, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký tại thủ đô Santiago de Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet.
Đại diện các nước tham gia ký CPTTP
Đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ ký Hiệp định này.
Sau lễ ký, Tổng thống Chile Michelle Bachelet tuyên bố CPTPP được ký kết là một cam kết về sự hội nhập và là một tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ, TTXVN tại Chile đưa tin.
Theo Tổng thống Chile, sự ra đời của CPTPP sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các nước tham gia là thông điệp gửi tới tất cả các nước muốn giới hạn thương mại và làm giảm đi những cơ hội phát triển của các nước khác.
Thỏa thuận tự do thương mại CPTPP được khởi động cách đây 1 năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11/2017 cũng như tại các cuộc họp để đi tới hoàn tất việc ký kết. Đây là nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, thương mại ở cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Trao đổi với các cơ quan báo chí bên lề lễ ký kết, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định với việc CPTPP được ký kết, các quốc gia thành viên nhận được không chỉ là những lợi ích trước mắt và đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các rào cản quan thuế cũng như một số lĩnh vực khác, mà vấn đề cơ bản là những động lực mà hiệp định này sẽ mang lại cho sự phát triển của mỗi nước về các khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết tất cả các quốc gia thành viên đều đánh giá rất cao chất lượng của hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này cho dù không còn có nền kinh tế lớn là Mỹ tham gia.
Đề cập đến ý nghĩa của việc tham gia CPTPP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền rất cao trong các hoạt động chính trị đối ngoại, cũng như kinh tế, việc Việt Nam tham gia ký kết CPTPP cũng chính là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác. Trên thực tế, trong bối cảnh tình hình toàn cầu đang diễn biến còn phức tạp, mặc dù dòng chảy chính vẫn là tự do hóa thương mại nhưng cũng đã có những dấu hiệu rất rõ ràng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa biệt lập, đang cản trở và tác động không thuận lợi đến dòng chảy của toàn cầu hóa.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tham gia CPTPP là minh chứng cho việc Việt Nam tiếp tục thực thi một cách rất quyết tâm và nhất quán chủ trương và chiến lược của Đảng, cũng như chính sách của Nhà nước trong hội nhập một cách chủ động, sâu rộng. Trong thời gian vừa qua, với những bài học kinh nghiệm quý báu và những thành quả đạt được trong việc mở cửa nền kinh tế, thực hiện chủ động hội nhập, chúng ta có cơ sở, có niềm tin trong chiến lược hội nhập sắp tới.
Vì vậy, CPTPP có thể nói là biểu hiện ở mức độ mới, trình độ mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế./.
Theo chinhphu.vn