Về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có công văn 194/BXD-PTĐT xin trả lời như sau:
Năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới định nghĩa chung là: “Đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông ICT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội”. Đây là định nghĩa mang tính phổ quát nhất về đô thị thông minh cho đến nay.
Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định 07 nguyên tắc, quan điểm và 04 nội hàm chủ yếu cho phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay, gồm: (1) Quy hoạch đô thị thông minh, (2) Xây dựng và quản lý đô thị thông minh, (3) Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị. (4) Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
Về thực trạng phát triển đô thị thông minh:
- Đến nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Cụ thể: 34/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh; 16/48 tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.
Về triển khai phát triển tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. 19 tỉnh đang triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Một số địa phương tiêu biểu: như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bình Phước… đã đạt được nhiều thành công trong quản lý đô thị thông minh, ứng dụng đô thị thông minh trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân bằng các tiện ích thông minh.
Sau khi Đề án 950 được ban hành, một số địa phương như Bắc Ninh, Bình Phước... đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án để triển khai phát triển đô thị thông minh, đạt được một số thành công nhất định đồng thời khắc phục được một số vấn đề gặp phải của các địa phương tiên phong như đầu tư có phần giàn trải trên nhiều lĩnh vực, khó khăn trong phân công tổ chức thực hiện.
Triển khai Đề án 950, các Bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh, cụ thể:
+ Trong lĩnh vực Xây dựng đã nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng 2014, trong đó bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, quy định về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng đô thị thông minh; hoàn thiện xây dựng Danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; ban hành Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh; Công bố Hướng dẫn chi tiết áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; đang hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn áp dụng Bộ Tiêu chí đô thị thông minh bền vững - phiên bản 1.0; Thành lập trung tâm đô thị thông minh Việt - Hàn.
+ Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0); Công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); Hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh; Hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ (phiên bản 1.0); Phê duyệt Đề án Bảo đảm an toàn thông tin cho đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025.
+ Lĩnh vực Khoa học công nghệ đã công bố 46 tiêu chuẩn TCVN phục vụ phát triển đô thị thông minh.
+ Lĩnh vực giao thông đã ban hành hệ thống tiêu chuẩn phục vụ phát triển đô thị thông minh trong và đang tiếp tục nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ phát triển giao thông thông minh.
+ Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Đề án 950 sẽ tiếp tục duy trì sự kết nối thường xuyên, phối hợp trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện bám sát các nội dung trọng tâm của Đề án.
Các giải pháp, nội dung cần đẩy mạnh trong giai đoạn sắp tới để thực hiện phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, đó là:
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án 950 về: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật…; Hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn về lĩnh vực đô thị thông minh; Thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thông minh; Phát triển và ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh; Đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Về phía Bộ Xây dựng sẽ tập trung:
1. Đẩy mạnh hướng dẫn, triển khai áp dụng phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy quy hoạch đô thị thông minh và quản lý xây dựng thông minh, áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị.
2. Thúc đẩy hợp tác quốc tế với các đối tác Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và hợp tác ASEAN, hợp tác các nước trong mạng lưới đô thị thông minh, thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
3. Hỗ trợ các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục duy trì, kiểm tra hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh, hỗ trợ các địa phương xây dựng thí điểm phát triển đô thị thông minh.
4. Tập trung đào tạo cán bộ đầu mối của Đề án 950 tại Trung ương và địa phương.
5. Tăng cường công tác triển khai thí điểm đô thị thông minh tại các địa phương, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, tăng cường kết nối với các tổ chức nước ngoài và trong nước.
Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_194-BXD-PTDT_17012023.pdf
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 194/BXD-PTĐT.