Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV

Thứ năm, 05/01/2023 18:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 4 do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022 với nội dung kiến nghị:

Theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ: các dự án sử dụng vốn khác được phân công, phân cấp cho các cơ quan chức năng thẩm định theo cấp công trình và không phân nhóm. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 thì các dự án sử dụng nguồn vốn khác được phân công, phân cấp cho các cơ quan cơ quan chức năng thẩm định theo phân cấp công trình và phân nhóm dự án. Như vậy, các dự án thuộc nhóm A, các công trình từ cấp II trở xuống trước đây đã thực hiện công tác thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc cấp tỉnh, đến nay khi có nhu cầu điều chỉnh hồ sơ thiết kế, dù với nội dung nào cũng phải trình Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định, sẽ gây bất cập, kéo dài thời gian thực hiện cho chủ đầu tư. Do đó, đề nghị tham mưu Chính phủ bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chuyển tiếp cho các dự án nêu trên được thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc cấp tỉnh

Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có công văn 45/BXD-HĐXD trả lời như sau:

Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 đã sửa đổi nội dung thẩm định đối với dự án sử dụng vốn khác từ thẩm định thiết kế cơ sở (đối tượng là công trình xây dựng) thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (đối tượng là dự án), theo đó cơ quan chuyên môn về xây dựng đánh giá sự phù hợp của dự án với chủ trương đầu tư, chương trình, kế hoạch thực hiện, các yêu cầu của dự án theo pháp luật có liên quan, việc phân giao trách nhiệm quản lý các công trình đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị,… Do vậy, việc phân cấp thẩm quyền thẩm định được quy định trên tiêu chí về nhóm dự án và cấp công trình.

Đối với việc điều chỉnh thiết kế công trình, tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã quy định các trường hợp chỉ điều chỉnh thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, trường hợp điều chỉnh thiết kế dẫn đến điều chỉnh dự án và phải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng. Việc thẩm định được thực hiện đối với nội dung điều chỉnh chứ không yêu cầu xem xét lại đối với toàn bộ dự án, theo thời gian đã quy định trong Luật, do vậy cũng không kéo dài thời gian thực hiện cho chủ đầu tư.

Do nội dung thẩm định quy định tại Luật số 62/2020/QH14 đã được thay đổi, đồng thời thẩm quyền thẩm định thay đổi theo hướng tăng cường phân cấp, đặc biệt là thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của các dự án sử dụng vốn khác cũng thay đổi từ cơ quan chuyên môn về xây dựng thành chủ đầu tư tự thực hiện, vì thế đối với việc chuyển tiếp tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã được quy định theo hướng các dự án, thiết kế đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thì “việc thực hiện các bước tiếp theo (bao gồm cả trường hợp điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng) thực hiện theo quy định tại Nghị định này” để đảm bảo thống nhất trong thực hiện giữa thẩm quyền, nội dung, không có khoảng trống pháp luật.

Hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri để tổng kết, đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 45/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)