Cần được quy hoạch đồng bộ

Thứ tư, 09/11/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật (cột ăng ten, trạm thu phát sóng (BTS)…) là yêu cầu cấp thiết đã được đặt ra. Các đơn vị, cơ quan quản lý cần ủng hộ chủ trương này, song việc dùng chung không đơn giản. Hà Nội hiện có 143 nghìn km đường dây điện, dây thông tin trong đó gần 87% đi nổi, 23% đi ngầm do hơn 20 đơn vị sở hữu. Trong vài năm gần đây, Hà Nội đã sử dụng cống bể cáp, hệ thống hào và tuynel bên trong được bố trí đường dây điện, dây thông tin trên nhiều tuyến phố chính như Nguyễn Trãi, Kim Mã - Liễu Giai, Phạm Hùng… nhưng xem ra mọi thứ vẫn còn lắm ngổn ngang.

Theo Bộ Xây dựng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đô thị là các công trình được xây dựng, lắp đặt để sử dụng chung gồm: Cột thu, phát sóng; cột treo cáp; cống, bể cáp kỹ thuật; hào, tuynel kỹ thuật; cầu, hầm đường bộ; cầu, hầm cho người đi bộ; cống; đường đô thị và cầu, hầm đường sắt. Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật là việc các tổ chức, cá nhân cùng lắp đặt, bố trí đường dây, cáp (điện lực, chiếu sáng, thông tin liên lạc); đường ống (cấp nước, thoát nước, cấp nhiên liệu) và thiết bị vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung bao gồm: BOT; BTO; BT… Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức cá nhân trong việc quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Về vấn đề này, mới đây Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã tổ chức hội thảo về quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Hà Nội. Dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật nêu rất rõ những yêu cầu đối với công tác quy hoạch. Đối với khu vực đô thị cũ việc quy hoạch phải đánh giá cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, có giải pháp cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng chung trong khu vực quy hoạch. Những KĐTM thì chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cáp ngầm, bể ngầm để lắp đặt đường dây, đường ống… Quy định này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, cảnh quan và môi trường.

Ông Lê Văn Dục - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: Giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được xác định trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng; chi phí quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Có 4 căn cứ xác định giá thuê gồm: Chi phí đầu tư, quản lý vận hành, bảo dưỡng, bảo trì; quan hệ cung cầu, giá thị trường; sự thay đổi, biến động về giá và cơ chế chính sách của Nhà nước; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo dự thảo Nghị định lần này, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành khung giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và giải quyết các trường hợp có tranh chấp về giá trên địa bàn. Còn UBND các cấp theo phân cấp quản lý quyết định giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do mình sở hữu. Tổ chức, cá nhân quyết định giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trên cơ sở khung giá và thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng.

Chỉ riêng mạng lưới viễn thông, Hà Nội hiện có 7 nhà cung cấp dịch vụ di động đang hoạt động với hàng nghìn trạm BTS. Theo yêu cầu phát triển, hàng năm các nhà mạng phải "trồng" thêm cột BTS mới và nếu không có các quy định về dùng chung cơ sở hạ tầng, có lẽ một ngày nào đó, người dân Hà Nội khi muốn nhìn lên cao thay vì được thấy bầu trời, thấy những tòa nhà cao tầng sẽ chỉ thấy những hàng cột BTS, gây mất mỹ quan đô thị.

Về sử dụng chung cầu, hầm đường bộ, cầu, cống phải có giải pháp kỹ thuật đồng bộ để bố trí, lắp đặt các đường dây cáp, đảm bảo an toàn mỹ quan và thuận tiện cho công tác vận hành khai thác. Đối với trách nhiệm của UBND các tỉnh phải ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý, phân cấp quản lý hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trên địa bàn. Chỉ đạo việc kết hợp sử dụng chung khi lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, tuân thủ quy định về quản lý vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục phát triển hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Việc quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải được thực hiện trên 6 nguyên tắc: Thứ nhất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải được xác định trong quy hoạch, được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, cảnh quan và môi trường đô thị. Thứ hai, chủ đầu tư ĐTM, KĐTM, đường phố mới có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cống, bể cáp ngầm hoặc hào, tuynel kỹ thuật để lắp đặt đường dây, đường ống. Thứ ba, đối với đô thị hiện hữu, UBND các cấp theo phân cấp quản lý phải có kế hoạch từng bước đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Thứ tư, đối với khu vực đô thị đã xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải có trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp, đường ống bố trí vào cơ sở hạ tầng đã xây dựng. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp, đường ống lắp đặt mới bắt buộc bố trí vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng. Thứ năm, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về kỹ thuật, an toàn và mỹ quan đô thị. Và cuối cùng, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải được thực hiện thông qua hợp đồng.

Có thể nói, nếu để việc sử dụng hạ tầng một cách đồng bộ và logic, chỉ riêng các doanh nghiệp nỗ lực thì không đủ, để việc dùng chung cơ sở hạ tầng hiện nay hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của liên ngành.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)