Bộ Xây dựng góp ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Nậm Cắt 2, tỉnh Bắc Kạn

Thứ ba, 04/04/2023 16:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 04/4/2023, Bộ Xây dựng đã có công văn 1284/BXD-HĐXD gửi Bộ Công Thương góp ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Nậm Cắt 2, tỉnh Bắc Kạn.

Theo đó, dự án thủy điện Nậm Cắt 2 được đề xuất đầu tư xây dựng tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông và xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Dự án thuộc Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1021/QĐ-BCT ngày 29/3/2021.

Căn cứ hồ sơ điều chỉnh quy hoạch gửi kèm Văn bản số 1129/BCT-ĐL ngày 06/3/2023 của Bộ Công Thương thì Dự án thủy điện Nậm Cắt 2 được đề xuất quy mô công suất từ 5MW gồm 02 tổ máy với các thông số kỹ thuật chủ yếu: Cao trình ngưỡng tràn 557m; cao trình đặt tuabin 362m; chiều cao đập lớn nhất 17,20m; bề rộng đỉnh đập 5m; chiều dài tuyến ống áp lực 2.890m. Hồ sơ cần hoàn thiện những nội dung sau để đủ cơ sở xem xét việc điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Nậm Cắt 2, tỉnh Bắc Kạn:

- Dự án thủy điện Nậm Cắt 2 (sau đây gọi là dự án) được bố trí trên suối Nậm Cắt là nhánh cấp I bờ trái của sông Cầu. Sông Cầu là dòng chính của sông Thái Bình, bắt nguồn từ vùng núi Tam Tao có đỉnh cao 1.326m chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên và hợp lưu với sông Thương ở Phả Lại. Cần có đánh giá tổng thể bậc thang các công trình thủy điện có liên quan của dự án đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong việc phát triển các dự án thủy điện theo quy định; đồng thời cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an sinh cho người dân hạ du của dự án.

- Thiết kế sơ bộ kèm theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đã bao gồm các bản vẽ: Vị trí công trình; tổng mặt bằng thủy điện Nậm Cắt 2; cắt ngang, cắt dọc lòng sông; mặt bằng, mặt cắt dọc và cắt ngang tuyến đập; mặt bằng, mặt cắt ngang tuyến đường ống áp lực; mặt bằng, mặt cắt dọc và cắt ngang nhà máy thủy điện; mặt bằng và mặt cắt đứng nhà quản lý vận hành; sơ đồ đấu nối lưới điện 35kV.

Những nội dung đề xuất điều chỉnh đối với các hạng mục công trình: Hệ thống đập thủy điện; tuyến hầm dẫn nước; nhà máy thủy điện, .. cần được nghiên cứu, thiết kế căn cứ vào các số liệu điều tra, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn đáp ứng đủ cơ sở để đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn công trình, an toàn công trình lân cận trong khu vực dự án.

- Về phân cấp các công trình của dự án cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

- Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đã thể hiện sơ bộ danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng của dự án là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tại phần căn cứ pháp lý của dự án cần rà soát, cập nhật các văn bản pháp lý liên quan của dự án theo quy định.

- Đối với đề xuất xây dựng trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải 35kV phục vụ đấu nối dự án vào lưới điện khu vực cần có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.

- Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch dự án cần được rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan để làm cơ sở chuẩn bị thu xếp nguồn vốn, lập kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.

- Việc sử dụng đất của dự án cần tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, đảm bảo các quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Khu vực dự án mang đặc điểm của địa hình miền núi, có độ dốc lớn, hiểm trở và chia cắt mạnh. Do vậy, khi đầu tư xây dựng sẽ có nhiều tác động đến môi trường. Việc xây dựng công trình tại khu vực suối dốc, đồi núi cao tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng và vận hành về an toàn đập, hồ chứa, ổn định mái dốc, đào hầm, .. đặc biệt là biến đổi cực đoan của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Vì vậy, cần có phân tích, đánh giá về tính đặc thù nêu trên của dự án làm cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật sơ bộ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.

- Đối với đề xuất quy mô công suất 5MW của dự án cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về yêu cầu tối ưu hóa trong đầu tư xây dựng các dự án trong bậc thang thủy điện trên cơ sở đó đánh giá, chịu trách nhiệm về hồ sơ quy hoạch của dự án nhằm đảm bảo tính pháp lý làm cơ sở xem xét hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt.

- Về giấy phép xây dựng: Dự án cần được căn cứ những nội dung hướng dẫn về giấy phép xây dựng đã được quy định tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành để hoàn tất các thủ tục trong quá trình đầu tư xây dựng theo quy định.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1284/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)