Thông tư số 02/2015/TT-BXD: Cơ sở pháp lý xây dựng giá dịch vụ thoát nước

Thứ hai, 11/05/2015 21:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tiết kiệm nước cũng như giảm thiểu xả nước thải vào hệ thống thoát nước góp phần bảo vệ môi trường, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BXD về hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước.

Thông tư số 02/2015/TT-BXD là cơ sở để các địa phương xây dựng giá dịch vụ thoát nước.

Xác định đúng các khoản chi phí

Theo đó, Thông tư này là cơ sở để hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cho các loại hệ thống thoát nước để làm cơ sở lập, phê duyệt phương án giá và quyết định giá dịch vụ thoát nước áp dụng tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu dân cư nông thôn tập trung. Việc xác định tổng chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ thoát nước đối với từng loại hệ thống thoát nước làm cơ sở để tính giá thành toàn bộ và tính giá 01 mét khối (m3) nước thải phải được tính toán theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý thoát nước và xử lý nước thải do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc ban hành.

Đối với dịch vụ thoát nước tại các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung được quy định cụ thể trong từng khoản chi phí. Cụ thể: Chi phí vật tư trực tiếp bao gồm các chi phí nguyên, nhiên vật liệu, hóa chất, động lực sử dụng trực tiếp và các loại vật liệu phụ để thực hiện việc tiêu thoát nước và xử lý nước thải và được xác định bằng tổng khối lượng của từng loại vật tư sử dụng nhân với đơn giá vật tư tương ứng; Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm các khoản chi phí bằng tiền mà các đơn vị thoát nước phải trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi ăn ca, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các khoản chi khác theo quy định đối với công nhân trực tiếp xử lý và tiêu thoát nước.

Chi phí sản xuất chung là các khoản chi phí sản xuất gián tiếp phát sinh ở các đơn vị thực hiện của doanh nghiệp bao gồm: Khấu hao, sửa chữa tài sản cố định; chi phí vật liệu, công cụ, dụng cụ dùng cho phân xưởng, tiền lương, phụ cấp lương, tiền ăn giữa ca (nếu có) trả cho nhân viên phân xưởng. Ngoài ra, còn có các chế độ như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của cán bộ nhân viên phân xưởng... Chi phí quản lý doanh nghiệp là tổng các chi phí chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các khoản chi phí có tính chất chung của toàn doanh nghiệp.

Khi xác định tổng chi phí sản xuất, kinh doanh đơn vị thoát nước phải thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ, không tính các khoản chi phí không được tính vào tổng chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành và các quy định của pháp luật có liên quan. Các khoản chi phí chung không chỉ phục vụ cho dịch vụ thoát nước mà có liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động trong đơn vị thoát nước và các khoản chi phí phải phân bổ trong kỳ tính toán, thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán và các quy định của pháp luật có liên quan.

UBND cấp tỉnh quyết định lộ trình và mức thu

Nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước về định giá dịch vụ thoát nước. Thông tư quy định rõ, Bộ Xây dựng chủ trì định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý giá dịch vụ thoát nước ở địa phương và kiểm tra việc xây dựng phương án giá, chấp hành pháp luật về giá dịch vụ thoát nước của các đơn vị thoát nước.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn do mình quản lý, phê duyệt giá dịch vụ thoát nước giữa đơn vị thoát nước và chủ sở hữu hệ thống thoát nước để xác định giá hợp đồng quản lý, vận hành. Tùy theo điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định lộ trình, mức thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ thoát nước trên địa bàn mình quản lý. Trường hợp giá dịch vụ thoát nước tại địa phương do UBND cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá dịch vụ thoát nước đã được tính đúng, tính đủ các chi phí dịch vụ thoát nước và mức lợi nhuận hợp lý thì phải cấp bù từ ngân sách địa phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị thoát nước.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở có liên quan kiểm tra việc xây dựng, thực hiện quyết định giá dịch vụ thoát nước áp dụng cho các đối tượng có liên quan đến dịch vụ này tại địa phương, tham mưu cho UBND cấp tỉnh để xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, đồng thời tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng để theo dõi và điều chỉnh khi cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết: “Xây dựng giá dịch vụ thoát nước thay cho phí thoát nước là điều khác căn bản của Nghị định 80 so với Nghị định 88. Mặt khác, qua việc phải trả tiền sử dụng dịch vụ này, người dân có ý thức trong việc tiết kiệm nước và giảm thiểu xả nước thải vào hệ thống thoát nước góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời đơn vị cung cấp dịch vụ thoát nước có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu người sử dụng dịch vụ”.

Theo : Báo Xây dựng điện tử.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)