Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Thứ hai, 24/02/2020 16:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang gửi tới Thủ tướng Chính phủ sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 707/VPCP-QHĐP ngày 01/02/2020, nội dung kiến nghị: "Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách về nhà ở công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chuyển đổi vị trí công tác xa nhà (thực hiện Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng) để họ yên tâm công tác, nhất là với khu vực vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 721/BXD-QLN ngày 24/02/2020 trả lời như sau:

Pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ và Thông tư số 09/2015/TT-BXD ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ) đã có các quy định cụ thể liên quan đến đối tượng ở nhà ở công vụ, tiêu chuẩn nhà ở công vụ, phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở công vụ. 

Về đối tượng thuê nhà ở công vụ, theo quy định của pháp luật về nhà ở có 07 đối tượng được thuê nhà ở công vụ, trong đó bao gồm giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế  đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo (Điều 32 của Luật Nhà ở năm 2014). Điều kiện thuê nhà ở công vụ được quy định tại Khoản 2 Điều 32 của Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 49 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015.

Tại Điều 2 Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn nhà ở công vụ bao gồm: nhà biệt thự, căn hộ chung cư khu vực đô thị, nhà liền kề khu vực nông thôn. Trong đó, đối với tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, nhân viên y tế) được điều động, luân chuyển công tác đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã được quy định tại Điều 4 của Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg.

Đối với việc phát triển nhà ở công vụ, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công vụ trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương (trong đó xác định rõ nhu cầu về nhà ở công vụ bao gồm: loại nhà ở, số lượng, diện tích sàn nhà ở; địa điểm xây dựng và diện tích đất để xây dựng nhà ở hoặc diện tích nhà ở thương mại cần mua, thuê để làm nhà ở công vụ; nguồn vốn và phân kỳ đầu tư hằng năm và 05 năm (Điều 27 của Luật Nhà ở, Điều 20 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP).

Đối với việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ của địa phương thì Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà ở công vụ hoặc Phòng có chức năng quản lý nhà của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Giá thuê nhà ở công vụ chỉ tính đủ các chi phí cần thiết để thực hiện quản lý vận hành, bảo trì và quản lý cho thuê trong quá trình sử dụng nhà ở (không tính chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng, không tính tiền sử dụng đất và chi phí mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ). Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các địa phương đều không thu tiền thuê nhà ở công vụ đối với giáo viên và nhân viên y tế được được điều động luân chuyển đến vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế có điều kiện khó khăn.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 – 2015 và lộ trình đến năm 2020 và Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 721/BXD-QLN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)