Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm quan mô hình trồng rau Vietgap của HTX Thanh Hà,
xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Ảnh: Thiện Tâm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, thời gian qua, UBND Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát các tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và hướng dẫn số 108/HD-UBND của UBND thành phố Hà Nội phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới thành phố Hà Nội, kết quả huyện có 9/9 tiêu chí đạt gồm: Giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, y tế - văn hóa - giáo dục, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai thực hiện 9 tiêu chí Huyện nông thôn mới, tiêu chí Quy hoạch và tiêu chí Môi trường là 2 tiêu chí khó. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của huyện Thường Tín đã chỉ đạo Phòng quản lý đô thị, Phòng tài nguyên môi trường và các xã thực hiện quyết liệt để hoàn thành nốt 2 tiêu chí này.
Theo đó, đối với tiêu chí Quy hoạch, UBND các xã đã tổ chức công bố đồ án quy hoạch Xây dựng nông thôn mới theo quy định, 28/28 xã đạt tiêu chí này. UBND Huyện đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 thị trấn Thường Tín. Đồng thời triển khai thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch và xây dựng quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và quy hoạch trung tâm xã với tỷ lệ 1/500. Đối với việc điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sản xuất, các xã đã hoàn thiện đồ án và được sự nhất trí của Sở Quy hoạch kiến trúc, Huyện đã tổ chức thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng Huyện đối với các đồ án. Hiện nay đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sản xuất đối với các xã.
Ngoài xã Hồng Vân đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, hiện nay huyện Thường Tín có 4 xã: Vạn Điểm, Văn Bình, Hà Hồi, Nhị Khê phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2020. Hiện xã Văn Bình có 13/19 tiêu chí đạt, 4/19 tiêu chí cơ bản đạt (tiêu chí quy hoạch, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm), chưa đạt 02/19 (trường học, văn hóa (2/3 thôn). Xã Nhị Khê có 13/19 tiêu chí đạt, 4/19 tiêu chí cơ bản đạt (tiêu chí quy hoạch, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm), chưa đạt 2/19 (trường học, văn hóa (1/5 thôn).
Xã Hà Hồi: 12/19 tiêu chí đạt, 4/19 tiêu chí cơ bản đạt tiêu chí quy hoạch tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm), chưa đạt 03/19 (trường học, y tế, văn hóa (4/8thôn). Cuối cùng là xã Vạn Điểm có 13/19 tiêu chí đạt, 3/19 tiêu chí cơ bản đạt (tiêu chí quy hoạch tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm), chưa đạt 3/19 (trường học, văn hóa (1/3 thôn, y tế).
Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Về sản xuất nông nghiệp, ông Kiều Xuân Huy cho biết, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND Huyện cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, nhất trí cao của nhân dân nên huyện tổ chức hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp với diện tích 4.546,2 ha/4.302,19 (đạt 105,67%) kế hoạch thành phố giao, phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên tạo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung.
Điển hình như vùng sản xuất lúa chất lượng cao để xây dựng và triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.745 ha tại các xã: Nguyễn Trãi, Thắng Lợi, Hòa Bình, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến… Vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung với diện tích 545ha tại các xã: Tân Minh, Hà Hồi, Thư Phú, Liên Phương, Tự Nhiên… Về phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, chăn nuôi lợn trọng điểm, điển hình các trang trại chăn nuôi xã Hồng Vân, Vân Tảo,… Chăn nuôi chuồng trại khép kín, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn nên đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt dịch tả lợn Châu phi. Về cơ bản các hộ chăn nuôi đều sử dụng hầm bioga, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.
Các chuỗi liên kết và mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến nay có 14 mô hình như mô hình cá sông trong ao ở xã Tiền Phong; nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Nghiêm Xuyên; sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Thư Phú, Tân Minh, Ninh Sở....Trên địa bàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp như chuỗi rau VietGap tại xã Ninh Sở, Lê Lợi, Chuỗi sản phẩm trà dược liệu tại xã Hồng Vân, Khánh Hà…
Là một huyện có dân số đông và nhiều khu công nghiệp, huyện Thường Tín rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường và xử lý rác thải. Với 11 Cụm công nghiệp làng nghề, có 48 làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất đều có kho chứa thu gom tập trung và ký hợp đồng xử lý với các công ty có chức năng, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư phân loại tách riêng với rác thải sinh hoạt và được thu gom sau đó đưa đi xử lý.
UBND Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ban hành Quy chế tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong đó quy định cụ thể về nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện. Đồng thời bố trí thùng thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đặt tại các cánh đồng khắc phục cơ bản tình trạng gây ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ngành nông nghiệp cũng đã hướng dẫn các hộ nông dân sử dụng 100% các loại thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục cho phép.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đầu tư cải tạo chuồng trại, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường, hầu hết các hộ đều có bể biogas, đạt tỷ lệ 100% chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, nằm cách biệt với nhà ở, nguồn nước, bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh. Chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý, tận dụng làm phân bón trồng hoa màu, cây cảnh, khí đốt, không xả chảy trên bề mặt đất, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
Ngày 30/12/2019, UBND huyện Thường Tín đã ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, phân công cụ thể nhiệm vụ đối với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, UBND các xã tiến độ thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí.
Theo ông Kiều Xuân Huy, với những kết quả đạt được hiện nay huyện Thường Tín đang hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 huyện Thường Tín đã tổ chức lấy ý kiến của các ngành, dự kiến công khai lấy ý kiến góp ý của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội huyện, UBND các xã và nhân dân trên địa bàn trong tháng 5/2020. Đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra xét công nhận huyện thường tín đạt chuẩn nông thôn mới gửi Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố tháng 6/2020.