Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Giang, không chỉ tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn mà còn nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của người dân về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ngoài ra, hệ thống chuyên trách về xây dựng NTM từ tỉnh đến huyện đã đi vào hoạt động ổn định, một số nội dung như qui hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai hiệu quả…
Đặc biệt, Chương trình xây dựng NTM được bà con các dân tộc hưởng ứng tham gia tích cực; trở thành phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, nổi bật nhất là phong trào hiến đất và tham gia đóng góp ngày công để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và giao thông nội đồng.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Giang, tính đến tháng 12/2012, tổng đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM ở Hà Giang trên 221 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp bằng vật liệu, hiến đất và ngày công lao động khoảng 42 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Nhà nước.
Với nguồn lực này, Hà Giang đã làm được trên 180 km đường giao thông nông thôn, xây dựng được 6.103 nhà vệ sinh, 1.286 bể chứa nước sinh hoạt, 4.378m kênh mương, láng và bó nền nhà cho gần 2.000 hộ gia đình, di dời 11.000 chuồng trại gia súc ra xa nhà ở.
Ngoài kết quả về cơ sở hạ tầng, Hà Giang còn hỗ trợ người dân sản xuất. Riêng năm 2012, Hà Giang triển khai được 276 mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thâm canh cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa kỹ thuật.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hà Giang, vướng mắc lớn nhất đối xây dựng NTM là tốc độ triển khai còn chậm do phần lớn các xã ở vùng sâu, vùng xa; kinh phí bố trí cho quy hoạch đáp ứng được từ 20 – 70% tổng dự toán; chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn thiếu chiều sâu…
Theo Chinhphu.vn